amedia

Mohsen Mostafavi về tương lai của việc dạy và học kiến trúc - Phần 1

07-05-2021 18:32:30


 

Kiến trúc sư – nhà giáo Mohsen Mostafavi vừa soạn một bài viết nhằm đối thoại về tương lai của việc dạy và học kiến trúc. Mostafavi hiện là giáo sư thiết kế Alexander and Victoria Wiley tại trường thiết kế sau đại học Harvard, và đã từng làm trưởng khoa của trường từ năm 2008 đến hết năm 2019. Trong bài viết mới đã được chia sẻ trên urbanNext, Mostafavi xem xét những thách thức mà các trường học trên thế giới đang phải đối mặt giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, khám phá nhiều vấn đề cấp bách và thích đáng. Đọc toàn bài bên dưới.

Chúng ta tiếp tục dạy học thế nào?
Những ghi nhận cho đối thoại về tương lai của việc dạy và học kiến trúc 

Ngành giáo dục bậc cao đang nằm ở một ngã rẽ có tính quyết định. Tình hình đại dịch đang tiếp diễn, với những hệ quả tăng dần theo cấp số nhân của nó, đã gây ra những sự gián đoạn cho ngành này theo nhiều hướng quan trọng. Chỉ trong một đêm, vì lý do an toàn và an ninh, trường học nơi nơi phải đóng cửa, sinh viên phải về nhà và bắt đầu học qua mạng. Kết quả tất yếu là đường cong học tập ở các ban, phòng, khoa đều đổ dốc. Sinh viên và những nhân viên quản lý, kỹ thuật, hỗ trợ tinh thần cũng phải chịu như vậy. Chẳng ai biết có bao giờ tình hình sẽ trở lại “bình thường” như trước khi có đại dịch hay không. Có khi là không.

Đối mặt với cảm giác không chắc chắn về tương lai, các trường học vẫn tiếp tục thi hành nhiệm vụ trông nom của mình, bằng cách bỏ ra thật nhiều thời gian để hoạch định cho các tình thế thay thế tương lai. Họ có tiếp tục dạy hoàn toàn online trong tương lai gần? Họ có tập trung vào một mô hình dạy học hỗn hợp, hay mô hình dạy học đa hình thức, phối hợp phương pháp giáo dục trực diện và số hoá? Họ có nên cho tất cả các sinh viên của mình trở lại học xá? Mỗi mô hình đều có mặt lợi và mặt hại, và các trường học khác nhau dĩ nhiên sẽ tiếp nhận những chiến lược khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh, thế mạnh và thế yếu của họ. Các vai trò khác nhau của nhà nước và tư nhân cũng góp phần vào việc này. Vì sự thiếu bình đẳng ở một số quốc gia, ngay cả ý tưởng học online cũng đã khó hình dung rồi; ở một số quốc gia khác, nhà nước cần hỗ trợ hệ thống y tế giáo dục để cung cấp nhiều cơ hội hơn nữa.

Rõ ràng, sinh viên và gia đình đều bị vướng mắc và chịu biến động sâu sắc trong những hoàn cảnh không chắc chắn này. Một số vẫn chưa chịu thuyết phục về giá trị tương đương của việc học online, xét về ý nghĩa học thuật lẫn về mặt tài chính. Số khác xem những sự ngắt quãng thiếu đồng đều về mặt địa lý mà đại dịch gây ra, cũng như những ảnh hưởng chính trị và , là nguyên cớ quá đủ để trì hoãn việc bắt đầu hoặc khôi phục công cuộc học vấn của họ. Tuy vậy, số khác vẫn muốn hoàn tất việc học hành càng sớm càng tốt và chuyển sang giai đoạn kế tiếp của đời mình – dù là nó mang theo những gì đi nữa.

Đối với nhiều trường học, tình cảnh này có thể gây ra nhiều thách thức tài chính nghiêm trọng. Liệu họ có đủ sinh viên? Và đủ tài chính để trả lương cho nhân viên? Họ làm sao để bảo vệ các khoản đầu tư của mình tốt nhất? Họ sẽ bảo đảm hạnh phúc cộng đồng mình thế nào? Những mối quan ngại này đã cộng thêm điểm vào câu hỏi nền tảng: liệu nhiều mô hình dạy học hiện tại nhằm cung cấp chương trình giáo dục cao học có bền vững trong những năm sắp tới hay không.

Thế nhưng, mọi sự đứt quãng cực độ đều mang đến động lực lớn cho chúng ta suy xét lại hiện trạng xã hội. Một trong những hệ quả bất ngờ của đại dịch toàn cầu là sự chuyển hướng tốc lực sang hoạt động nghiên cứu và học tập online. Những cơ hội này sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi các khoá học online dành cho công chúng đông đảo, như MOOCS, mà sẽ bao hàm những mô hình giáo dục online năng động có kết hợp “thời gian thực” và chương trình học “ảo”.

Một trong những lợi ích tiềm tàng của những khai phá này, là nó giúp ta dễ dàng vượt qua ranh giới của khoảng cách địa lý, cho phép người tham gia từ nhiều nơi dự phần vào các dạng thức dạy và học mới – tuy rằng những bằng chứng ban đầu có cho thấy sự ưu tiên tất yếu đối với khu vực múi giờ của học viện nơi tổ chức hoạt động dạy học. Tương tự, những vấn đề gần gũi như vậy có thể ảnh hưởng đến mong muốn đi học xa của sinh viên, giống như chúng từng ảnh hưởng trong quá khứ. Sinh viên gặp khó khăn trong học tập cũng có thể thấy khó mà mà xoay xở với việc học, khi không được những lợi ích từ việc tương tác về học vấn và xã giao trong không gian thực.

Với việc sử dụng Zoom, Teams, và các nền tảng khác, mọi người đều đúng giờ hơn, và sẵn sàng hiện diện và chú tâm hơn, nhưng các buổi tụ họp không có được bầu không khí trao đổi mà ta vẫn có trong không gian thực. Cái màn hình nhỏ khiến ta khó mà thấy phản ứng của mọi người hơn, khó ghi nhận cử động và phản hồi cơ thể của họ hơn. Những đối thoại ngẫu hứng nhường chỗ cho việc phải giơ tay trước khi phát biểu. Đồng thời, sinh viên nắm được nhiều thông tin hơn về công trình của nhau, và có khi còn chuyên chú vào đó hơn nữa. Đó là hai mặt của tình thế hiện tại.

Phần nhiều những bàn luận về đại dịch trong giới học thuật cho đến nay tập trung vào các vấn đề về tổ chức, giảm thiếu nguy cơ, và bền vững tài chính. Những hệ quả trí tuệ, xã hội và chính trị của việc học online tương đối ít được chú ý đến. Trường đại học, với tư cách là một không gian thực thể, cung cấp nhiều cơ hội giúp mọi người vượt qua sự bất bình đẳng, mở ra cho họ con đường tiếp cận tài nguyên bất kể tình hình tài chính của họ ra sao. Việc tiếp tục tận dụng hoạt động dạy học online sẽ làm tăng tính bất bình đẳng giữa các sinh viên, và cả giữa các giảng viên và nhân viên nhà trường nữa. Hiện trạng xuất thân của mọi người – sự thiếu thốn không gian nhà ở hay sự thiếu thốn dịch vụ trông trẻ, vấn đề sức khoẻ tinh thần quan trọng trong giới sinh viên – tất cả đều đượ nêu bật rõ rệt khi chúng ta chuyển qua việc dạy học online. Các trường học sẽ đảm đương bổn phận hiện tại của mình ra sao, bao gồm bổn phận của trường đối với các giảng viên và gia đình họ, khi nhà ở của những người này trên thực tế đã trở thành một chi nhánh của nhà trường khi việc dạy học chuyển sang hướng online? Những mối bận tâm này sẽ tác động lên các vấn đề phức tạp về sắc tộc, giới tính trong phạm vi nhà trường ra sao? Hay là xa mặt thì cách lòng?

Cộng tác và tương tác

Trải nghiệm dạy và học online gần đây cũng đã hé lộ tầm quan trọng của một trong những khía cạnh ít hiển lộ, ít được nói tới, của môi trường học ảo, đó là sự giảm sút cơ hội gặp gỡ tình cờ ngẫu nhiên. Những sự việc xảy ra hằng ngày trong không gian thực, những đối thoại ngẫu nhiên, dù là với bạn bè hay người lạ, đều sẽ trở nên có hoạch định và sắp đặt (cụ thể như qua nhóm chat), với ít lợi ích rõ rệt hơn. Chẳng lạ gì khi mà trong thế giới của những cuộc gặp gỡ qua Zoom thường ngày, một cú điện thoại lại mang đến một tầm mức thân mật hơn cho sự giao tiếp.

Trong bất cứ hình thức cộng tác nào, những gì được nói đến hay thảo luận bên ngoài cuộc họp chính quy cũng thường có tầm quan trọng ngang bằng – hoặc có khi còn hơn – những gì được thảo luận trong cuộc họp đó. Việc phủ nhận những trải nghiệm ngẫu nhiên này, và những trao đổi không chính quy, những sự chia sẻ ý tưởng trong không gian thực thể, có thể làm tăng cảm giác cô đơn và biệt lập. Trong tình thế mới này, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể  hoàn toàn bị biến đổi. Tạo ra những cuộc đối thoại mới và những cơ hội kết bạn mới, hiểu và kết nối với những người khác với mình; đây là các trọng trách và lợi ích chủ đạo của trường học. Làm sao để tư duy lại và tái tạo lại những mối liên hệ này?

Nền giáo dục kiến trúc và thiết kế nói chung đều không tránh được những câu hỏi và mối quan ngại này, và cũng không nên cưỡng lại những cơ hội mà sự thay đổi mang tới. Mô hình giáo dục tại studio của ngành kiến trúc, vốn phụ thuộc vào phạm vi dạy học nhóm nhỏ và lối dạy nhiều tính tương tác, đặc biệt càng mẫn cảm trước những vấn đề phức tạp khi việc dạy học nhanh chóng chuyển sang hướng online. Ngoài việc bàn đến những thách thức trước mắt mà đại dịch gây ra, chúng ta còn có thể học được bài học nào cho tương lai của nền giáo dục kiến trúc? Nội dung và cấu trúc chương trình dạy có thể thay đổi ra sao, để bố trí nền giáo dục thiết kế trong một bối cảnh văn hoá, lịch sử và xã hội hiệu quả hơn – một bối cảnh hoà hợp với những hoàn cảnh sống đương đại của chúng ta trên hành tinh, và phản hồi tốt hơn với những sắc thái của các vấn đề thiết kế mà sự chuyển hướng của hoạt động dạy và học mang lại.

Vẽ và tạo tác

Một trong những hệ quả trước mắt và cụ thể hơn khi các trường kiến trúc phải đóng cửa, là việc chế tác các mô hình vật lý trở nên khó khăn hơn, dù là để làm công cụ phát triển thiết kế hay là để thuyết trình tổng kết. Khi không được đến workshop và các cơ sở chế tác, sinh viên không thể sử dụng những công cụ như máy in 3D và máy cắt CNC; các thiết kế số hoá gần như đã thay thế cho các mô hình tạo tác thủ công. Hệ quả của sự chuyển dịch sang hướng số hoá trong việc trình bày hình dung của chúng ta về nhà cửa và không gian tương lai là gì? Và khi các toà nhà mở lại, các cơ sở chế tác hoạt động trở lại, mọi người có nên quay lại chế tác mô hình theo đúng phương thức cũ?

Những mô hình vật lý được tạo tác bằng phương thức số hoá, nói chung là hoàn thiện hơn và cho thấy chất lượng thẩm mỹ cao hơn. Điều này đặc biệt đúng với các mô hình cỡ nhỏ, có độ chi tiết và nhất quán về thị giác cao. Chúng đạt được chất lượng như vậy thường là nhờ không biểu thị những mối nối giữa các bộ phận và chi tiết của mô hình, một việc hầu như không thể thực hiện được bằng phương pháp thủ công. Hơn nữa, việc lắp ráp một mô hình trên hình ảnh không phải lúc nào cũng giống với việc lắp ráp mô hình đó bằng tay.

Trong bối cảnh học thuật, mô hình vật lý và mô hình số hoá đều biểu thị ý tưởng thiết kế hay toà nhà được hình dung – nhưng không bao giờ thật sự – sẽ thi công. Những mô hình này hiếm khi thể hiện đúng logic của công việc thi công. Đồng thời, các mô hình vật lý là những tạo vật đơn nhất, hiện hữu độc lập không liên hệ gì với toà nhà thực tế.

Khi người xem tiếp xúc với mô hình vật lý, chất liệu và quy mô của nó, trải nghiệm này tác động trực tiếp đến cảm giác và sự tiếp nhận của họ về mô hình này. Mô hình vật lý luôn luôn là một tạo vật, luôn luôn cách biệt với “toà nhà” được hình dung sẽ ra đời. Tuy vậy, mô hình vật lý thường được tiếp nhận một cách toàn vẹn, theo một cách thức khó mà đạt được với mô hình “ảo”.

Mô hình “ảo”, ngược lại, là một hình ảnh hai chiều của một cấu trúc ba chiều, không bao giờ có thể có được những đặc tính hữu thể giống như mô hình vật lý. Nhiều người có xu hướng thích sự tự nhiên hoá và kháng cự lại những đặc tính tương tự ở mô hình ảo, tuy rằng nhờ những đặc tính hình ảnh của nó mà nó có thể dễ dàng thay đổi về kích cỡ, bề mặt, và kết cấu chất liệu ở tốc độ vượt xa mô hình vật vật lý. Người ta có thể nhìn mô hình số hoá như một tổng thể hoặc như một hệ thống phân mảng từ nhiều góc nhìn khác nhau, giống như khi đi chụp ảnh một toà nhà vậy. Tuy nhiên, nói cho cùng thì sự khác biệt giữa mô hình vật lý và mô hình ảo chỉ là trải nghiệm về một tạo vật và một hình ảnh.

Nền giáo dục kiến trúc, và sau cùng là kiến trúc, sẽ phải chịu những hệ quả gì, khi người ta ngày càng lệ thuộc vào hình ảnh mà lơ là việc tạo ra các mô hình vật lý dưới dạng tạo tác tương đương? Và cách dàn xếp các hình ảnh này sẽ ảnh hưởng đến việc tạo ra chúng thế nào? Hiện thực và áp lực của hoạt động truyền thông số hoá có phải có nghĩa là người ta cần đến hình ảnh hấp dẫn hơn không? Vai trò tiềm tàng và những khám phá về hình thái kiến trúc, cũng như cảm xúc mà nó khơi dậy giữa mô hình vật lý và mô hình ảo, là những hệ quả được đặt ra trước tiên cho các sự kiện gần đây. Nhưng cuộc tranh luận này không chỉ là vấn đề mô hình, mà còn chạm đến những điểm khác biệt và sự căng thẳng cơ bản giữa những gì được vẽ ra và những gì được tạo tác – một đề tài cốt lõi của ngành kiến trúc. 

(còn tiếp)

 

Biên dịch: HC

Xem bài viết gốc trên DESIGNBOOM tại đây


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: