Nghệ thuật Design nàng tiên thứ Tám
16-06-2014 18:26:49
Đặt tên công trình là “ Nguyên lý design thị giác”, Nguyễn Hồng Hưng dường như chỉ định viết một giáo trình sư phạm dạy cho sinh viên một cách hệ thống những kỹ năng sáng tạo design dựa trên những tập tính và những năng lực trong quá trình phát triển của thị giác loài người. Nhưng phương pháp tiếp cận và trình bày vấn đề uyên bác, sắc sảo, thông tuệ của tác giả đã nâng tầm vóc công trình này vượt quá những nhiệm vụ sư phạm kĩ năng, để trở thành một công trình nghiên cứu tích hợp và thuyết trình những vấn đề nền tảng trong học tập và giảng dạy “Nguyên lí thị giác”, cùng tiềm năng phát triển của nghệ thuật Design. Người đọc là sinh viên hay là những người làm nghệ thuật design, sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức mới về nguyên lí thị giác, một môn học nghiên cứu những tập tính thị giác biểu hiện qua cái nhìn(hay thói quen nhìn).
Nếu người đọc là người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp nói chung, cũng sẽ nhận được nhiều món quà quý làm giàu tâm hồn duy mĩ lãng mạn, và được lôi cuốn vào một tua du lịch trong thế giới design, một thế giới nghệ thuật mà về mặt kiến thức lí thuyết, còn mới lạ ở Việt Nam. Bạn đọc được tìm hiểu những cội nguồn thị giác, của ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, mà tác giả viết bằng giọng văn giản dị, sâu sắc, sinh động và hấp dẫn. Bạn đọc sẽ ngắm nghía những công cụ nguyên lí sáng tạo đa dạng, được sắp xếp một cách hệ thống trên giá đỡ của các tri thức khoa học liên ngành, và xem xét những tiềm năng phát triển đồng thời cùng sự phát triển con người, ở bộ môn nghệ thuật Design hay còn gọi là nghệ thuật thứ “Tám” này.
Nếu mục đích của tác giả chỉ là xây dựng một giáo trình giảng dạy về các nguyên lí design thị giác để sáng tạo ra những vật phẩm vừa có công năng sử dụng trong đời sống, vừa có giá trị thẩm mĩ cao như một tác phẩm tạo hình độc lập thì công trình “Nguyên lí design thị giác” cũng đã rất thành công.
Cách trình bày mười tám chương sách với tính hệ thống chặt chẽ, mạch lạc, hàm súc, và hấp dẫn, cuốn sách đã đưa đến cho người đọc một khối lượng kiến thức đồ sộ kèm những vấn đề và những khái niệm hết sức mới lạ như “Cội nguồn design”, “Quỹ nhớ thị giác”, “Cảm thụ không gian”, “Tâm lí thị giác và không gian ước lệ”, “Design mô phỏng”, “Trường nhìn thị giác”, “Hiệu quả rung và cảm thụ ảo thị giác””, Cái nhìn và lực hút thị giác”, “Những đặc tính thị giác”, và viễn tưởng về một nền“ hội họa siêu thực với con người có thêm con mắt thứ ba…thứ năm…hay nhiều mắt hơn.v.v…”
Mỗi vấn đề, mỗi nguyên lí, mỗi kĩ năng lại được mô tả bằng văn phong hóm hỉnh nhẹ nhàng ngắn gọn, khối lượng thông tin lớn, hàm lượng nghệ thuật cao. Chỉ riêng kênh hình trong sách đã cung cấp mảng lớn kiến thức cho bạn đọc, với số lượng 818 hình ảnh minh họa in màu khá chuẩn, kèm với lời bình chú khoa học cho từng phiên bản. Tác giả đã diễn giải song song lịch sử phát triển nghệ thuật design bằng hình ảnh cùng với bằng chữ viết. Bắt đầu từ hình ảnh cái rìu tay của thời đồ đá sớm, đến kiệt tác của những thiên tài của muôn đời ở “Thế kỉ ánh sáng”, và những kiến trúc hiện đại nhất ngay trong thập niên đầu thế kỉ XXI này.
Cuốn sách là một công trình kép, vừa trình bày lí thuyết, vừa diễn giải lịch sử mĩ học, lịch sử phát triển design vừa có những nghiên cứu học thuật độc lập của riêng tác giả. Cuốn sách đã giúp ta hình dung rõ những bước phát triển liên tục cùng sự phát triển lịch sử con người của môn nghệ thuật thị giác từ khi nó chỉ là một ý niệm “cầm thuận tay nhìn ưa mắt” của người nguyên thủy, tới khi được coi là thứ lao động thủ công mĩ nghệ khéo tay, và cho tới tận khi có thể sản xuất hàng loạt và được định danh là Mĩ thuật công nghiệp, lại bị xem là thứ design kĩ thuật máy móc, khô khan, vụ lợi vô hồn, không cao cả thánh thiện như nghệ thuật tạo hình. Bây giờ đây nó đã được coi là Nghệ thuật thứ 8, với tên khai sinh DESIGN và ra đời sau nghệ thuật điện ảnh và đứng trước nghệ thuật truyện tranh.
Đây là chính đề của mĩ học về những loại hình nghệ thuật. Một vấn đề đặt ra vượt tầm cuốn giáo khoa design thị giác. Ngay những trang đầu tiên tác giả đã dẫn sử liệu cho biết thủa ban đầu kể từ cội nguồn mĩ học, Aristotle (384-322TCN) đã không xếp hạng ngay cả “nghệ thuật tạo hình” cao cả của hội họa vào danh mục loại hình nghệ thuật đỉnh cao trí tuệ nhân loại, ở thượng tầng kiến trúc.
Các tiền bối thông thái thời cổ đại đã minh định về mĩ học chỉ có sáu loại hình nghệ thuật duy nhất… Nhưng sự phát triển, theo thời gian nghệ thuật điện ảnh xuất hiện lập tức kì diệu, lập tức đồ sộ thần kì, tới mức tất cả các bậc trí giả tinh hoa, các nhà khoa học xã hội nhân văn đương thời phải công nhận ngay là “Nghệ thuật thứ Bảy”, đó là con số bảy của mĩ học nối tiếp sáu loại hình nghệ thuật tưởng như bất di bất dịch từ thời Aristotle tới mọi tương lai không thay đổi.
Danh từ Design ra đời sau danh từ Cine’ma vì thế được công nhận sau điện ảnh và là “Nghệ thuật thứ Tám”. Thế đấy nghệ thuật điện ảnh vừa ra đời chưa đầy một tuổi đã có số má trong khoa học mĩ học ở thường tầng kiên trúc ngay lập tức. Còn nghệ thuật desgn chỉ được công nhận sau khi danh từ DESIGN ra đời và được công nhận là nghệ thuật thứ 8 vào cuối thế kỉ trước, tại hội nghị Design quốc tế năm 1980 ở anh. Mặc dù nghệ thuật design xuất hiện cùng với sự xuất hiện khái niệm con người, từ cái rìu tay đầu tiên của người Homo sapien.
Dù sao cũng phải công nhận khoa học mĩ học từ thời cổ đại 400 năm trước công nguyên đã minh định bất biến chỉ có sáu loại hình nghệ thuật, và đã trường tồn tới tận khoảng hai ngàn ba trăm năn sau mới có thêm “nghệ thuật thứ bảy”. Hai ngàn ba trăn năm là khoảng thời gian mà cuộc sống con người hiện đại xem như là vĩnh cửu.
Cuốn sách đã giúp nắm được một cách hệ thống những trường phái sáng tạo design trên thế giới, từ khi hình thành ý niệm về chế tác công cụ thời đại đồ đá xa xưa, đến khi xuất hiện những trường phái sáng tạo design độc đáo như hệ thống đối xứng, cấu trúc mô đun ngoài không gian, các trường phái tạo bóng và tạo ảo giác quang học thời gian gần đây. Trong quá trình phát triển, con người đã design từ que tăm đến tầu không gian. Ngay trên trái đất hiện nay đã có những dự án design tạo môi trường sống cho quần xã sinh vật, nhằm phát triển sự sống trên các xa mạc của trái đất. Ở trang 445 có ảnh minh họa về công trình Eden Anh quốc, là dự án xanh hóa xa mạc hiện đang hoạt động.
Tác giả đã đưa ra quan điểm “Lịch sử design là lịch sử con người”. Hay có thể diễn nôm là “lịch sử công cụ là lịch sử design”.. Một quan điểm mở rộng vượt phạm vi giảng dạy trong nhà trường của cuốn sách. Cũng có thể là vì viết sách về design, là viết về thiên nhiên thứ hai do con người tạo dựng nên, làm người viết khó tránh vượt khỏi chừng mực khuôn khổ học thuật trong phạm vi học đường. Cũng bởi design là văn minh xã hội. Có những giai đoạn của lịch sử nhân loại mang tên hàm nghĩa design như các thời đại đồ - đá- đồng- sắt.v.v... Trong một phạm vi hẹp của design, có thể viết một cuốn sách riêng mang tính biên khảo thống kê đồ vật về “design công cụ của một cộng đồng trong một thời gian xác định”. Hoặc cũng có thể chia nhỏ thành nhiều cuốn sách khác nhau, ví dụ như : Biên khảo công cụ đúc đồng của người việt - Biên khảo công cụ đun nấu bếp của các dân tộc Việt Nam- Biên khảo công cụ làm nông nhiệp của các dân tộc Việt Nam- Biên khảo y phục các dân tộc Việt Nam- Biên khảo nhạc khí trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Việt Nam.v.v…Sẽ nhiều nữa danh sách những biên khảo, và tất cả những sách thống kê biên khảo vật dụng, đều chắc chắn là những chi tiết nằm trong học thuật của nghệ thuật design. Quả thực cuốn “Nguyên lí design thị giác” là một cuốn sách mở không đóng khung ý tưởng đã trình bầy, và không kết thúc trí tưởng tượng và ý tưởng của người đọc.
Nhưng sự hấp dẫn và sự thành công của của cuốn sách lại nằm ở cái đích học thuật cao hơn hệ thống tri thức, kỹ năng về nghệ thuật Design mà cuốn sách đã trình bày một cách xuất sắc. Trong cách giải thích, trình bày và suy tư, người viết sách đã kết nối bộ môn nghệ thuật này với cả những thị giác tiềm năng, những thị giác bên trong của người khiếm thị, những thị giác siêu việt giàu yếu tố viễn tưởng liên đới tới cả thị giác thấu thị soi thấu được cả mọi cõi giới của Chúa Trời và Phật tổ Như lai. Đó là điều mà các nhà nghệ thuật học trước đây hầu như chưa bàn tới. Đó cũng chính sức mạnh và cả sức hấp dẫn của cuốn sách về khía cạnh nhằm khai phóng khả năng tưởng tượng của các nhà thiết kế tương lai. Một phương pháp kích não, lấy sinh viên làm trung tâm của nền sư phạm hiện đại.
Tác giả còn dẫn dắt cho ta thấy nghệ thuật Design là chung một cảm hứng sáng tạo với nghệ thuật tạo hình cao cả. Ví dụ năm yếu tố cội nguồn để thao tác design: Mảng-Nét-Màu sắc-Điểm-Hình khối cũng chính là năm yếu tố nguồn gốc của sáng tạo họa phái trừu tượng. Và đồng thời là một nguồn cảm hứng dù gắn liền với Đại ngã theo cách hiểu của phương Đông hay gắn liền với Thượng đế theo cách hiểu của phương Tây, cũng đều đem đến cho tác phẩm design một sinh khí nghệ thuật, một thông điệp sáng tạo của cái tuyệt đối và cái vĩnh hằng. Với sự phát triển của nghệ thuật design, những gì trước đây chỉ là các công cụ, vật dụng vô hồn được sản xuất hàng loạt trong dây chuyền công nghiệp, giờ đây đã trở nên phập phồng hơi thở của cái đẹp, cái tâm linh, và nghệ thuật design.
Những nghiên cứu mới về mĩ học ngày nay đã gọi chung nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật design là “Nghệ thuật thị giác”. Những người sáng tạo ra tác phẩm “ Nghệ thuật thị giác” có thể là họa sĩ , nhà điêu khắc, nhà design.v.v… được gọi chung là “nghệ sĩ thị giác”. Đây là một bước tiến bộ mới nhất của khoa học mĩ học cuối TK-XX đầu TK-XXI.
Những sách nghiên cứu và giảng dạy về mĩ thật công nghiệp trước đây chưa có những cách tiếp cận thông tuệ như Nguyễn Hồng Hưng. Để mô tả về nghệ thuật design, Tác giả không chỉ đặt nghệ thuật này trong tương quan với năng lực thị giác và văn hoá thị giác của con người đương đại mà còn mong ước cả nghệ thuật design cho thế giới người khiếm thị, mà còn đặt nghệ thuật design vào tương quan tiềm năng với thị giác siêu việt của con người tương lai bởi những tiến hóa tất yếu. Tác giả đã đưa ra quan niệm về tính dân tộc trong nghệ thuật chính là địa lí, và khẳng định “ thế giới không phẳng với nghệ thuật”. vì nếu thế giới phẳng với nghệ thuật, thì sự nghèo nàn về các trường phái nghệ thuật sẽ xuất hiện ở tầm mức toàn cầu, nghệ thuật sẽ teo tóp tới mức có thể biến mất. Điều này là một tư duy văn hóa nghệ thuật tích cực cần nhấn mạnh nên, tác giả đã in như một slogan trên bìa bốn của sách: “ Thế giới không phẳng với nghệ sĩ”.
Tác giả minh chứng, giải mã rất thuyết phục rằng giao lưu của các trường phái nghệ thuật luôn luôn là những giao lưu hòa nhập ở những vùng biên. Không bao giờ là trung tâm. Bởi giao lưu của hai nền văn hóa văn hóa phủ trùm trùng khít từ trung tâm đến ngoại biên thì tất nhiên sẽ có một nền văn hóa bị hòa tan. Hoặc có thể cả hai nền văn hóa đều biến mất mà ra đời một nền văn hóa thứ ba. Đây là một giải mã vì sao: Nếu bản sắc văn hóa của một dân tộc mà bền vững trường tồn sẽ không bị hòa tan bởi các nền văn hóa lớn hơn. Thông thường những giao lưu này liên đới với chính trị và tôn giáo. Vì vậy trong quá trình làm quen và thử nghiệm văn hóa lạ, thường được ủng hộ và tài trợ kinh tế, tổ chức trưng bày trao giải, mở các cuộc thi.v.v… của quốc gia có nên văn hóa lạ ngoại bang muốn giao lưu du nhập mở rộng ra ngoài biên giới văn hóa nghệ thuật của họ. Ở Việt Nam hiện nay cũng không ngoại lệ.
Cuốn sách còn trình bầy rõ quan điểm của tác giả về giao lưu văn hóa nghệ thuật đương đại của Viêt Nam với thế giới: “Nghệ thuật trình diễn”- “Nghệ thuật sắp đặt”- “Nghệ thuật ý niệm”.v.v… Đó chính là những giao lưu giao thoa vùng biên với các nền văn hóa ngoài Viêt Nam, là giao lưu vành ngoài của văn hóa nghệ thuật cội nguồn của mọi cộng đồng. Tác giả không ngần ngại ví những loại hình nghệ thuật đó như mắm tôm tây, và không phải người phương tây nào cũng biết ăn “mắm tôm tây” *, tương tự như không phải cứ là người Việt Nam thì đều biết ăn mắm tôm ta. Tuy nhiên tác giả công nhận và cảm phục những họa sĩ trẻ, nghệ sĩ thị giác trẻ hội nhập mau chóng thành công và vững vàng với các phong cách và loại hình nghệ thuật mới du phập vào Việt Nam.
Một dân tộc bị hòa tan về văn hóa, dân tộc đó có nguy cơ biết mất hoặc trở thành dân tộc thiểu số của quốc gia có nền văn hoá hòa tan nó. Đây cũng là đại vấn đề về văn hóa và dân tộc vượt phạm vi học thuật ở cuốn sách. Quả thật thế giới không thể phẳng với nghệ thuật và nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Phương Đông là phương đông, nghệ sĩ Phương Tây là phương tây. Vì quan điểm này mà tác giả đã dẫn chứng cụ thể trong cuốn “Câu chuyện nghệ thuật”, tác gia E.H.Gombrich đã viết rằng chỉ có nghệ sĩ mà không có nghệ thuật.
Nhưng tác giả Nguyễn Hồng Hưng chứng minh rằng nếu nhìn với quan điểm mĩ học sẽ không thể bỏ qua tác phẩm. Tác phẩm chỉ dẫn ra nghệ sĩ. Và ý kiến của E. H. Gombrich chỉ là cách nhìn phương Tây, và là của riêng ông.
Trong cuốn sách “Câu chuyện nghệ thuật” của tác giả E. H. Gombrich ngay câu đầu tiên của phần dẫn nhập (trang 3) viết: “Thật ra không hề có cái gọi là nghệ thuật, chỉ có nghệ sĩ”. Vậy mà nghịch lí thay E.H.Gombrich đã không viết gì (hoặc viết rất ít) về tiểu sử nghệ sĩ. Trong sách “Câu chuyện nghệ thuật”, ông chỉ viết về sự ra đời của các tác phẩm nghệ thuật cụ thể và những trào lưu. Cụ thể là hơn 500 trang sách với 423 những ảnh chụp tác phẩm minh họa, để viết nên “Câu chuyện nghệ thuật”. Trong đó có nhiều tác phẩm lừng danh mà khuyết tên tác giả(nghệ sĩ), chỉ còn tác phẩm.
Nếu nghệ sĩ nào đó có hoạt động văn hóa văn nghệ năng động, khoái thú câu nói này thì cũng tương tự như khoái thú xu hướng lấy sự kiện sinh hoạt cuộc sống làm giá trị nghệ sĩ của họ. Sẽ tệ hơn khi tiếng tăm nghệ sĩ được làm nổi lên bằng sinh hoạt đời tư qua phương tiện thông tin đại chúng, để thế chỗ cho tác phẩm nghệ thuật vốn phải rất đam mê mà còn khó làm ra được.
Cũng bởi có nhiều thể loại mĩ thuật mới thời thượng không cần phải biết vẽ. Và như thế, chắc chắn chỉ có tiểu sử sự kiện nghệ sĩ theo hướng “văn hóa văn nghệ xã hội”, hàm lượng mĩ thuật không thể phát triển cao được. Lại cũng bởi mĩ thuật không thể biểu hiện hết được các dạng cái đẹp của nhận thức sự thật. Mĩ thuật chỉ có thể biểu hiện cách nhận thức sự thật về cái đẹp theo phương pháp mĩ thuật. Thế nên đã có nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau đã và đang rất mới ra đời.
Trong lời tựa cho cuốn “Câu truyện nghệ thuật” ở lần tái bản thứ 15 năm 1989, cách lần xuất bản lần đầu 1950 là 39 năm, tác giả đã phải nhấn mạnh lại rằng:
“Tôi cảm thấy cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng bạn hãy thưởng thức quyển sách này như một câu truyện giải trí, chứ đừng dùng nó làm sách giáo khoa, thậm chí một tác phẩm để tham khảo”.
Liệu có phải sau 39 năm ra đời lừng lẫy, phát hành tới bảy triệu bản, với 30 thứ tiếng khác nhau, dễ đã có vô vàn ý kiến của bạn đọc tâm huyết làm cho E. H. Gombrich phải nhấn mạnh hơn một lần những lời trên.
Có vô số tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, design, nhân loại phát hiện và lưu giữ cẩn trọng từ thời nguyên thủy tới ngày nay mà không biết gì về những nghệ sĩ tác giả của những tác phẩm đó, vì chỉ còn tác phẩm. Người Việt Nam có nhiều tác phẩm điêu khắc cổ và kiến trúc chùa cổ, đồ gốm cổ, có giá trị mĩ thuật cao và cả dòng tranh Đông Hồ, dòng tranh Hàng Trống đều chỉ còn tác phẩm mà các tác giả của những tác phẩm đó đã không lưu danh.
Chút dẫn chứng trên, tác giả Nguyễn Hồng Hưng chỉ muốn cho rõ thêm rằng làm “Mĩ thuật” có khác nhiều so với làm “Văn hóa văn nghệ”. Có thể với “văn hóa văn nghệ” thì chỉ có nghệ sĩ giải trí, mà có ít thôi cái gọi là nghệ thuật, nhất là trong hoàn cảnh như ở ta đương đại, giá trị nghệ thuật phụ thuộc không ít vào khả năng quan hệ sinh hoạt xã hội của cá nhân nghệ sĩ.
Với mĩ thuật và design thì không phải vậy. Bởi chỉ riêng ở Việt Nam thôi đã có quá nhiều trường hợp chỉ còn tác phẩm mà tác giả đã không lưu danh. Đó là truyền thống không thành văn “chỉ lưu tác phẩm - không lưu danh” của các nhệ nhân nghệ sĩ Việt Nan cổ xưa.
Bởi tư duy về nghệ thuật design thấm đẫm tinh thần Á Đông như vậy, nên trong khi trình bày các nguyên lý thị giác design, tác giả đã nhấn vào những năng lực thị giác có khả năng phát giác sự bí ẩn của không gian ba chiều và sáng tạo những tác phẩm ngày càng có xu hướng bí thuật. Những kiến giải tri thức thị giác của cuốn sách còn cho thấy những điểm nhìn giả tưởng như điểm nhìn từ những con mắt hư cấu trong tranh siêu thực để soi chiếu và nghệ thuật design giúp người đọc hình dung ra tính đa dạng, biến ảo và không cùng của quỹ nhớ thị giác mà các nghệ sỹ tạo hình và các nghệ sỹ design có thể khai thác từ nội giới trong quá trình sáng tạo.
Có thể nói cuốn sách này không chỉ là một “giáo khoa thư” mà còn là công trình đã nghiên cứu, soi chiếu, nghệ thuật design từ tầm cao triết học, mĩ học, từ chiều rộng tâm linh và chiều sâu của tiềm năng nhân loại. Những vấn đề của cảm thụ thị giác được giả tưởng đặt ra từ cái nhìn tác phẩm design bằng mắt người, mắt Phật và mắt nghệ sĩ để tìm kiếm những nguồn sáng vô tận cho nghệ sĩ design tạo hào quang nghệ thuật bền vững cho những công cụ thuần tuý được sản xuất thủ công ngày xưa, hay sản xuất hàng loạt ngày nay. Hơn thế nữa, cuốn sách đã chỉ ra cho người đọc thấy những bí thuật của nghệ thuật design từ hiệu ứng của chất liệu, đến những hiệu ứng có tính ma thuật (những thủ thuật bí mật của sáng tạo ảo thị giác) mà nghệ sĩ design có thể tạo ra khiến ta hình dung về một chiều kích không gian viễn tưởng tồn tại đồng thời ngay trong không gian sống của chúng ta.
Cái lớn của công trình “Nguyên lý design thị giác” chính là ở chỗ nó đã vượt lên trên nhiệm vụ giúp sinh viên hệ thống hoá những học thuật, những kỹ năng sáng tạo design trên cơ sở hiểu biết các nguyên lí thị giác đầy ắp trên 18 chương sách, để trở thành một công trình cao học design “Masters of Design”, nghiên cứu về ngôn ngữ đặc thù của nghệ thuật design và nghiên cứu các thủ pháp sáng tạo những hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt từ chính những đặc trưng thẩm mĩ tiềm tàng trong nghệ thuật design. Cuốn sách thực sự đã kiến giải những vấn đề cao hơn nhiệm vụ của một giáo khoa thư về thị giác. Vì sự trình bày của cuốn sách thật giản dị với ý tứ sáng rõ, dễ hiểu, nên hệ thống những nguyên lí, những phương pháp, những kĩ năng trình bày trong cuốn sách này được người đọc tiếp thu trên tầm cao hoàn toàn mới lạ mà không hề khó khăn. Giống như các nghệ sĩ của trường phái “ảo giác quang học”, đã đặt những hòn đá, những cục sắt hay những giẻ lau trước gương để tạo thành những chân dung sống động hay những bông hoa rực rỡ trong gương, tác giả đã đặt trước mắt người đọc những hệ thống nguyên lí thị giác và thủ pháp design để tạo nên trong tâm trí người đọc những cách nhìn chân thực, kì thú và biến ảo của bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.Tư duy của người đọc luôn được kích thích phiêu lưu, được thúc đẩy mở rộng bằng chính tiềm năng văn hóa ẩn tàng trong nội giới người đọc .
Có thể nói, những suy nghiệm liên tưởng ở tầm mĩ học và triết học của tác giả đã cho thấy rõ nét tầm ảnh hưởng của nghệ thuật design từ thế giới của các công cụ đời thường thực dụng, vào thế giới của tâm linh nghệ thuật đầy ẩn mật, thần bí, thiêng liêng. Ở đây không phải chuyện xâm lấn công năng của nghệ thuật design vào các vương quốc phi công năng trần thế, hay chuyện bày vẽ những cuộc thi thiết kế ngai vàng cho Thượng đế, mà là sự thấu cảm cao về ngôn ngữ “nghệ thuật thị giác” đã tới mức tạo nên những đường dẫn về sự cộng thông giữa nghệ thuật này với các cõi Trời huyền ảo, cõi đẹp, cõi tâm linh để những tác phẩm design dường như có khả năng mời gọi Chúa Trời hay Đức Phật sử dụng các tác phẩm design ấy cùng với con người. Với cách tiếp cận vấn đề đã hé lộ những khát khao mở rộng bến bờ cho nghệ thuật design như vậy, Nguyễn Hồng Hưng đã gây ấn tượng rằng anh còn muốn các nghệ sĩ design sáng tạo ra những chiếc ghế mà trước khi ta ngồi thì Chúa đã ngồi, những chiếc xe mà trước khi ta sử dụng thì Phật đã dùng như một Luân xa. Ẩn chứa tâm tư thiêng liêng của các nghệ sĩ thị giác: “Design là phụng sự”. Phụng sự con người như phụng sự thánh thần.
Các tác phẩm design lí tưởng là sự tồn tại song song của cả trăm phần trăm công năng trùng khít với trăm phần trăm cái đẹp khi hòa vào cuộc đời. Nghĩa là một giá trị sử dụng tuyệt vời trên hình thức thẩm mĩ đỉnh cao. Ước mơ desgn với vương quốc của cái đẹp tự thân là vĩnh cửu, không cần đợi cho khi tính công năng của design không hợp với văn minh thời đại nữa, cái đẹp đỉnh cao mới hiển lộ để sống mãi dưới hình thức của một đồ cổ, một hình thức bảo tồn văn hóa nhân loại. Không, design phải là cái đẹp đỉnh ngay từ khi còn mới.
Nói cách khác, công trình “Nguyên lí design thị giác” của Nguyễn Hồng Hưng là một “giáo khoa thư” truyền bá kiến thức về “nghệ thuật thị giác”, và thúc đẩy niềm mong muốn sáng tạo những tác phẩm design có CÔNG NĂNG KÉP, vừa đáp ứng những nghiệm vụ của một công cụ trần thế, vừa trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập có hồn, mang cảm hứng vĩnh cửu như các tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, thi ca...Tựa như mơ ước mọi vật dụng thông thường đều là kiệt tác nghệ thuật. Hay nói cho lí tưởng design là: chỉ có những kiệt tác nghệ thuật mới được mang làm đồ dùng thường hằng cho con người. Lời kết của bài viết này là mộc mạc và chân thực rằng cuốn sách “ Nguyên lí design thị giác”, nếu có thể tôi sẽ đặt lại tên sách là “Masters Design Thị giác” cho đúng với nội dung của nó. Đây là cuốn sách thật sự bổ ích cho những ai yêu cái đẹp của nghệ thuật thị giác, và làm nghề liên đới với nghệ thuật thị giác./.
Đỗ Minh Tuấn. Tháng 4-2014.
Nguồn: Nguyệt san Nghệ thuật mới-số10- tháng 6-2014 - Một công trình thông tuệ về nghệ thuật Design.