“Vải Boro” của studio SO – IL và Nhà Triển lãm Japan Society
19-03-2020 01:33:51
Studio kiến trúc SO — IL của Brooklyn, cùng với Nhà Triển lãm Japan Society, vừa trình làng một triển lãm sắp đặt được thiết kế có suy xét cẩn thận, mang tên: “Boro Textiles: Vẻ đẹp Bền vững.” Triển lãm nghiên cứu tính chất lâu đời của “boro” (vải vụn, giẻ rách), một loại vải chắp vá được khâu kết thủ công bởi bàn tay của các nông dân Nhật Bản trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Qua quy trình sửa sang đầy tính thiền định, một thứ ngôn ngữ văn hoá đã hình thành từ chất liệu vải và y phục, dưới những điểm đặc trưng là sự xếp lớp chất liệu đầy biểu cảm, sự chắp ghép, và sự tái dụng vải vụn. Triển lãm “Boro Textiles” lột tả thứ ngôn ngữ lâu đời này cũng như vai trò sau cùng của nó trong việc ảnh hưởng đến tác phẩm của các nhà thiết kế Nhật Bản đương đại sau này.
Designboom đã gặp gỡ Jing Liu và Florian Idenburg của SO — IL tại studio của họ ở Brooklyn, nhằm trao đổi về phương hướng thiết kế triển lãm và trưng bày vải dệt lâu đời tại Nhà triển lãm Japan Society.
Boro Textile của SO-IL
Tất cả hình ảnh do Richard Goodbody cung cấp
Designboom (DB): Chúng tôi đều rất hứng thú với đề tài tìm kiếm cái đẹp trong sự sang sửa, và việc cho mọi người thấy những điều kiện sống có được từ lịch sử đã phát triển dần thành một nét đặc trưng có chủ ý của những nhà thiết kế ngày nay ra sao. Các bạn bắt đầu trình bày những ý tưởng này qua thiết kế triển lãm ra sao?
SO — IL: Tôi nghĩ rằng loại vải mà người dân ngày xưa sử dụng rất khác với các chất liệu kiến trúc. Vậy nên, linh tính ban đầu của chúng tôi là không được thêm quá nhiều chất liệu khác vào không gian. Bằng cách này, chúng tôi sẽ không làm người xem cảm thấy rối rắm, không phân biệt được đâu là vật dụng và đâu là tác phẩm. Có nhiều tầng lớp chất liệu được thêm vào ở đây, và ta phải xác định được ranh giới. Hầu hết các chất liệu chúng tôi dùng làm khuôn cấu trúc cho triển lãm đều trong suốt, trong mờ, hoặc phản quang. Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với chi tiết tối giản, chất liệu tối giản, và các hiệu ứng ánh sáng, mà không phải thêm chất liệu vào bối cảnh.
SO – IL (nói tiếp): Đây thật ra là vấn đề ý thức – không phải “bền vững” như ta vẫn nói “được, đây là chất liệu bền vững.” Đây là chuyện ý thức về việc giảm thiểu tài nguyên sử dụng. Có một giai thoại lý thú, dẫn dắt chúng tôi tới quyết định sử dụng các tủ kính trưng bày: Japan Society có ba phòng triển lãm mà lại chẳng có phòng chứa đồ nào ở đó cả. Tất cả những tủ kính trưng bày mà họ đã dựng nên đều được cất trong phòng triển lãm. Tại hầu hết các cuộc triển lãm, họ dựng khu vực chứa đồ ngay trong phòng triển lãm, và việc này thường làm choán bớt một phần không gian. Tại triển lãm hiện tại, chúng tôi không tạo ra thêm vật dụng mà lấy thật nhiều thứ từ khu vực chứa đồ ra và cố gắng tận dụng chúng hết mức.
SO — IL (tiếp theo): Chúng tôi lấy tất cả các tủ kính trưng bày ra và cố gắng sắp xếp chúng với những món y phục. Cuối cùng chúng tôi phải làm thêm bốn tủ mới, nhưng các tủ còn lại đều sẵn có, chỉ cần các bề mặt phản quang là đủ sinh động lên rồi. Vậy nên cách tiếp cận của chúng tôi – kể cả trong việc nên tạo ra cái gì – cũng hơi giống với cách làm việc của các nghệ sĩ boro thời ấy – xem xem mình có gì, và mình có thể làm gì với thứ đó.
DB: Các bạn trình bày những tác phẩm đa chiều này như thế nào – nhìn từ mọi góc độ - các bạn sử dụng những kỹ thuật gì? Các bạn có nhắc tới các bề mặt phản quang...
SO — IL: Phần nhiều là y phục và quần, và trong hầu hết các triển lãm trước đây chúng tôi đều xem xét cách mà người ta làm. Thường là cách làm của họ mang ít nhiều khía cạnh nhân học. Nhiều lần họ khoác chúng lên các ma-nơ-canh, và ta có y phục, quần, phụ kiện kề bên nhau, rất đậm chất nhân học. Câu chuyện của con người trở thành phần vượt trội – có nhiều thiên tự sự xoay quanh nó. Hoặc, nếu bạn nhìn vào các triển lãm vải vóc, bạn thường nhìn chúng như sản phẩm thủ công hoặc nhìn vào hoạ tiết đồ hoạ hai chiều trên chúng.
SO — IL (nói tiếp): Tất cả các món phục trang này đều mang một chiều kích về thời gian, nhưng cũng mang khía cạnh thủ công và mỹ nghệ. Chúng tôi không muốn phô bày chúng đơn giản như vải vóc hay những thứ hai chiều. Chúng tôi cũng không cảm thấy rằng mình cần phải tạo ra một bối cảnh nhân học để hiểu chúng như là một phần câu chuyện của một thế giới khác. Vậy nên, sau cùng chúng tôi treo chúng lên như thể những món đã được con người mặc, mà không dùng ma-nơ-canh – chúng tôi cắt laser các khuôn vòng làm thân cho chúng, để chúng có dáng dấp ba chiều, và chúng tôi treo chúng lên để khán giả có thể chiêm ngưỡng chúng ngang tầm mắt. Bên dưới, chúng tôi dựng một tủ kính viền nhựa phản quang, để bạn có thể nhìn thấy chúng từ 360 độ và từ bên dưới nữa. Rồi chúng tôi treo đèn bên trong chúng nhằm làm cho chúng sống động... để ta cảm thấy rằng bên trong chúng có một trái tim ấm áp.
DB: Triển lãm gồm có ba phòng. Bạn có thể giải thích mỗi phòng có những gì không?
SO — IL: Thay vì xếp quần, phụ kiện và chăn mền cùng nhau, cố gắng diễn tả lại hình ảnh quá khứ - chúng tôi phân chia chúng theo thể loại. Phòng đầu tiên chứa y phục, áo và quần. Phòng thứ hai chứa toàn phụ kiện hay những vật dụng nhỏ hơn – vớ, túi, tã – và ảnh chụp của Kyoichi Tsuzuki, người đã ghi tư liệu về những nơi chốn nguồn cội của boro, đã làm việc cùng với dân địa phương trong bão tuyết – vậy nên phông cảnh cho các bức hình này là một cơn bão tuyết trắng xoá. Triển lãm thứ ba toàn là chăn mền – một số tấm nặng tới 30 kg – tất cả đều được treo từ trần nhà. Còn có hai nghệ sĩ đương đại có tác phẩm được sắp đặt ở thế tương phản và có tính đối thoại với các tác phẩm này.
DB: Sẽ có những món trang phục chọn lọc nào mà khách tham quan triển lãm có thể thử mang lên người chứ? Cảm giác thế nào khi dựng một triển lãm nơi mà người ta được chạm vào tác phẩm?
SO – IL: Có, có hai món mà khách tham quan được phép mang thử. Ban đầu chúng tôi tính đặt chúng lên bàn, nhưng rồi chúng tôi bàn với nhau rằng nếu cái gì cũng để lên bàn – nơi mà có thứ có thể chạm vào và thứ khác lại không cho phép chạm – thì dễ gây lẫn lộn. Vậy nên chúng tôi treo chúng lên, như thể chúng đang được phơi vậy. Nhiếp ảnh gia có nói rằng các món này quá cũ, và người thời đó quá nhỏ con. Vậy nên y phục thực ra nhỏ lắm và không phải ai cũng mặc vừa. Ngay cả các ma-nơ-canh cũng quá to, không thể hiện được tốt các món phục trang này. Ngay cả trong ảnh chụp thời đó, ta thấy mọi người cũng không mặc các món y phục này mà khoác mền, vì chúng quá chật.
DB: Bạn có thấy những chất liệu vải boro lâu đời này có ảnh hưởng đến các sáng tạo đương đại? Tôi hiểu rằng đề tài chủ đạo của triển lãm là những hoàn cảnh ngẫu nhiên của công việc sửa sang, và sáng tạo bằng sự chắp ghép là phương thức mà các nghệ sĩ đương đại ngày nay vận dụng như ngôn ngữ thiết kế của mình. Bạn có thấy điều đó rõ rệt không?
SO — IL: Tôi cho rằng có hai sự ảnh hưởng khác nhau. Một là hướng ảnh hưởng thẩm mỹ mà các nghệ sĩ như Yoji Yamamoto, Commes de Garcons vận dụng, nhưng không phải theo hướng tái chế và tái dụng. Và có hai nghệ sĩ đương đại hiện đang vận dụng lối thời trang cao cấp xưa cổ từ nhiều năm trước, và tái tạo chúng bằng phong cách đặc trưng riêng của họ - ví dụ như dán băng keo lên chúng – “sửa sang” chúng. Rồi có một nghệ sĩ tên Christina Kim, không chỉ làm thời trang mà còn thiết kế mẫu vải. Một trong các tác phẩm lớn của chị là chiếc mùng chống muỗi mà chị mang tới Kyoto và bỏ ra hai ngàn giờ chậm rãi sửa sang nó. Đó là một công việc đầy tính thiền định. Vậy nên đây không chỉ là chuyện quần áo nữa, mà là chuyện về tiến trình tìm kiếm cái gì đó sắp chấm dứt vòng đời của nó, và chậm rãi tái sinh nó.
Thông tin đồ án:
Tên triển lãm: Boro Textiles: Sustainable Aesthetics
Địa điểm: Japan Society Gallery, New York, Ny
Thiết kế triển lãm: So — Il
Nhiếp ảnh: Richard Goodbody
Ngày mở cửa: 6/3 — 14/6/ 2020 (tạm thời đóng cửa cho đến hết ngày 31 tháng 3)