Svart – một khách sạn tự cung tự cấp năng lượng giữa vòng cực bắc
13-03-2018 02:24:17
Snøhetta vừa hé lộ bản hoạch đồ cho công trình “Svart” – một ý tưởng về khách sạn tự cung tự cấp năng lượng đầu tiên ở vòng cực bắc. Mẫu thiết kế không chỉ tiết giảm xấp xỉ 85% độ tiêu thụ năng lượng hằng năm so với một khách sạn hiện đại, mà còn tự sản sinh ra năng lượng. Công trình trồi ra từ bờ biển, ngay dưới chân núi Almlifjellet (Na Uy) và kéo dài đến dòng nước trong vắt của vịnh Holandsfjorden. Cấu hình tròn trịa cho những góc nhìn bao quát hướng ra cảnh quan, tạo nên mối tương tác trực tiếp với bối cảnh tự nhiên.
Tất cả hình ảnh © Snøhetta/Plompmozes
Thiết kế có tham khảo mô hình kiến trúc bản địa “Fiskehjell” (một loại cấu trúc gỗ hình chữ A được dùng để phơi khô cá) và “Rorbue” (một loại nhà ở theo mùa truyền thống của ngư dân). Mô hình rorbue được chuyển tải vào phần kết cấu hỗ trợ của khách sạn, gồm các cột gỗ chống chịu tốt tác động của thời tiết, được lắp đặt nối dài dưới mặt nước vài mét. Các cột gỗ này bảo đảm cho toà nhà giảm thiểu hết mức có thể dấu ấn vật lý của nó, và cho nó vẻ ngoài gần như trong suốt vậy.
Toà nhà trồi ra từ bờ biển ngay bên chân núi Almlifjellet
Vào mùa hè, các cột chống của khách sạn đóng vai trò như một lối đi tản mát bằng gỗ; còn vào mùa đông, lối đi này có thể được dùng làm nơi chứa thuyền bè. Cách duy nhất để tiếp cận khu vực xung quanh khách sạn là di chuyển bằng thuyền. Đồ án còn kèm theo kế hoạch khởi xướng một tuyến giao thông đường thuỷ trung hoà về năng lượng dẫ từ thành phố gần nhất, Bodø, đến khách sạn. “Việc xây dựng trong một môi trường quý giá như vậy đòi hỏi đi kèm với những bổn phận rõ ràng về bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên, cũng như thảm động thực vật của khu vực,” Kjetil Trædal Thorsen, nhà đồng sáng lập công ty Snøhetta, phát biểu. “Điều quan trọng đối với chúng tôi là thiết kế ra một toà nhà bền vững, để lại thật ít dấu ấn môi trường lên vùng thiên nhiên phương bắc xinh đẹp này.”
Công trình có tham khảo lối kiến trúc bản địa của khu vực
Xét từ góc độ môi trường, nhiều chiến lược đã được vận dụng để bảo đảm cho khách sạn có khả năng tự cung tự cấp năng lượng. Trước hết, Snøhetta vạch ra một sơ đồ bao quát về hoạt động của bức xạ mặt trời trong tương quan với bối cảnh núi non trong suốt một năm, để dựa vào đó mà thu được lượng năng lượng nhiều nhất. Kết quả nghiên cứu này là tiền đề quan trọng cho mẫu thiết kế hình tròn của toà nhà khách sạn. Các phòng khách sạn, nhà hàng và hành lang đều được bố trí theo lối chiến lược nhằm mục đích khai thác năng lượng mặt trời trong ngày và theo mùa.
Cấu hình tròn trịa cho những góc nhìn bao quát hướng ra cảnh quan
Trên nóc khách sạn có ốp những phiến pin mặt trời của Na Uy, được sản xuất bằng năng lượng khí hydro sạch, góp phần làm giảm dấu ấn carbon hơn nữa. Vì đêm mùa hè kéo dài hơn bình thường, nguồn năng lượng mặt trời được sản sinh ra hằng năm ở đây cao hơn hẳn mức năng lượng mà ta thu được ở khu vực phía nam. Các mặt tường công trình bảo vệ nó khỏi ánh nắng gay gắt mùa hè khi mặt trời lên cao, do đó khách sạn không cần đến hệ thống làm mát nhân tạo nữa. Trong những tháng mùa đông, khi mặt trời xuống thấp, các ô cửa sổ lớn cho độ phơi sáng tối đa, giúp khách sạn khai thác nguồn nhiệt lượng thiên nhiên.
Đồ án là ý tưởng đầu tiên trên thế giới về một khách sạn tự cung tự cấp năng lượng ở vòng cực bắc
Các chất liệu có phần năng lượng biểu hiện thấp được vận dụng xuyên suốt công trình. Việc sử dụng gỗ trong thi công và ốp lát giúp giảm thiểu tác động môi trường của toà nhà. Các chất liệu vốn nặng phần năng lượng như thép kết cấu và bê tông được tránh sử dụng hết mức có thể. Khách sạn còn có những giếng địa nhiệt có thông với bơm nhiệt. Hệ thống này đóng vai trò sưởi ấm toà nhà, giảm thiểu tổng lượng năng lượng tiêu thụ của nó.
Biên dịch: HC
Xem bài viết gốc trên DESIGNBOOM tại đây