Phỏng vấn Max Arrocet (AL_A)
28-11-2016 07:17:16
Bảo tàng Nghệ thuật, Kiến trúc và Kỹ thuật MAAT vừa khánh thành bên bờ sông Tagus (Lisbon, Bồ Đào Nha), trùng thời điểm với triển lãm Lisbon Architecture Triennale 2016. Công trình được bố trí bên trong hai toà nhà – một toà do AL_A, công ty của Amanda Levete đặt tại Luân Đôn, thiết kế, và một toà mới được phục chế từ một trạm cung cấp năng lượng cũ. Tại buổi khánh thành, Designboom đã trò chuyện cùng giám đốc AL_A Max Arrocet và giám đốc MAAT Pedro Gadanho – kiến trúc sư, curator, giáo sư kiêm tác giả Bồ Đào Nha, người trước đây đã từng phụ trách quản lý mảng kiến trúc tại bảo tàng MoMA, New York.
Toà nhà uốn lượn theo hình elip
Ảnh © Designboom
MAAT khai phá nền văn hoá đương đại qua nghệ thuật thị giác, truyền thông mới, kiến trúc, công nghệ, và khoa học. Công trình mới cho phép khách tham quan bước đi bên trên, bên dưới, và xuyên qua cả khu phức hợp bảo tàng, nhờ vào lối đi ven sông dẫn lên sân thượng. Từ đây, người ta có thể chiêm ngưỡng bao quát cảnh sông nước, với chiếc cầu treo 25 de Abril Bridge và đài tưởng niệm Christ the King của thành phố. Mục tiêu của đồ án là phục sinh mối dây lịch sử giữa thành phố và con sông. Từ bảo tàng có các bậc cấp dẫn xuống sông; những bậc cấp này ngập chìm trong nước khi thuỷ triều lên cao, tạo nên sự biến đổi thường trực trong khung cảnh. Bên trên các bậc cấp là bề mặt mái dua ốp 15 ngàn viên gạch 3D, phản ánh nền di sản gốm sứ dồi dào của Bồ Đào Nha.
Bề mặt mái dua ốp gạch gốm sứ
Ảnh © Designboom
Max Arrocet là một trong bốn giám đốc của công ty AL_A (cùng với Amanda Levete, Ho-yin Ng và Alice Dietsch). Anh gia nhập công ty vào năm 2007, được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc năm 2012, rồi trở thành người chỉ đạo đồ án thiết kế MAAT. Tại buổi khánh thành bảo tàng, Designboom đã có một cuộc trao đổi với Arrocet, qua đó nhà kiến trúc sư giải thích tỉ mỉ hơn về đồ án này.
Designboom (DB): Làm sao các vị thiết kế được toà nhà trong một bối cảnh nổi bật như thế?
Max Arrocet (MA): Đó là một địa điểm độc đáo. Hướng nhìn của toà nhà ra dòng sông đồng nghĩa với việc chúng tôi mong muốn tạo nên một không gian công cộng. Trong trường hợp này, việc tạo ra một không gian công cộng sinh động gợi liên tưởng thị giác về một phần của thành phố đã hoàn toàn bị chia cắt với dòng sông.
Chúng tôi không hề muốn ganh đua với nhà máy phát điện cũ về góc độ kiến trúc – việc thiết lập một ngôn ngữ khác cho toà nhà cũ này là hết sức quan trọng. Trực giác của chúng tôi nhanh chóng xác định rằng cấu trúc mới phải thấp hơn toà nhà cũ này ở mức đáng kể. Những chuyển động mạch lạc có được là nhờ tuân theo vận động của địa hình, và ý tưởng rằng không gian công cộng di chuyển từ ngoài vào trong.
Ảnh © Designboom
DB: Mẫu thiết kế khởi đầu từ đâu?
MA: Chúng tôi có hai ý tưởng mấu chốt. Trước hết, chúng tôi thật sự muốn hồi đáp lại hướng nhìn và địa điểm xây dựng. Thứ hai, đây hiển nhiên là một toà nhà có mối liên kết mạnh mẽ với không gian công cộng. Có một vấn đề rõ rệt ở thành phố Lisbon, đặc biệt là khu vực này, nơi bờ sông bị phân cách hoàn toàn khỏi đô thị. Như bạn có thể thấy, có rất ít cầu bắc qua sông, rất ít chỗ cho bạn băng qua dòng nước. Một trong những mối bận tâm chủ chốt của chúng tôi là làm sao để biến bảo tàng thành một công trình công cộng thực thụ. Chúng tôi hy vọng rằng không gian này sẽ ngập tràn du khách lẫn cư dân địa phương. Có những chương trình giúp phát triển các không gian như thế. Chúng tôi có một khu vực bổ sung cho các gian hàng ngắn hạn, với đầy đủ điện nước và mạng kết nối. Chúng tôi hình dung đây sẽ là một không gian công cộng thực sự. Nó sẽ được lắp đặt vật dụng nội thất nữa.
Hình thái uốn lượn tiếp diễn bên trong
Ảnh © Designboom
DB: Mặt ngoài của bảo tàng được ốp gạch. Anh có thể giải thích thêm về lựa chọn chất liệu này cũng như hiệu quả của nó đối với công trình không?
MA: Lần đầu tiên chúng tôi đến xem địa điểm xây dựng là khoảng sáu năm trước, vào tháng Mười Một. Khi ấy mặt trời đang lặn, cả dòng sông chuyển sang sắc cam và vàng rộm, và chúng tôi nhận ra mình đang ở một vị trí gần như hướng mặt về phương nam, nơi bầu trời có thể biến đổi không ngừng. Ở đó đôi khi nhiều gió, khiến sắc trời thay đổi rất nhanh. Ngoài ra còn một đặc điểm nữa là dòng sông với thuỷ triều lên xuống, và những biến đổi mơ hồ ấy dường như xảy ra luôn luôn. Với chúng tôi, việc nắm bắt và vận dụng điều đó là rất quan trọng.
Không gian triển lãm chính đã được thiết kế để chứa các tác phẩm sắp đặt cỡ lớn
Ảnh © Designboom
MA (nói tiếp): Quy trình thiết kế không hoàn toàn đi theo một đường thẳng, nhưng khi đã nhận ra lựa chọn chất liệu phù hợp là gốm sứ, chúng tôi liền xây dựng một cơ chế điều biến và một hệ thống gạch ốp, để nhờ đó chúng tôi có thể mô phỏng phần nào những vận động của dòng nước. Hệ thống này được xây dựng trên một mạng lưới lục giác mà sau đó chúng tôi chia tách ra làm hai phần, rồi cho phép nó biến vị dựa theo bề mặt được phân định rạch ròi của mặt tường. Với những viên gạch ba chiều này, mặt tường phản chiếu được không chỉ ánh sáng từ vòm trời, mà còn cả những diễn biến trên mặt nước nữa. Sự thay đổi của mặt trời giúp tạo ra những kiểu bóng râm khác nhau, và dáng vẻ của toà nhà cũng thay đổi theo diễn biến thời gian của ngày.
Triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ Pháp Dominique Gonzales-Foerster
Ảnh © Bruno Lopes
DB: Những viên gạch có phải được sản xuất theo yêu cầu không?
MA: Phải, chúng được chế tác theo yêu cầu. Chúng tôi thiết kế chúng cùng công ty Cumella, vốn đặt tại Barcelona. Đó là một doanh nghiệp gia đình đã hoạt động qua ba thế hệ, chuyên thực hiện mọi đồ án phục chế cho Gaudí. Nhiều người trong gia đình ấy đã từng làm việc với Gaudí. Họ là những nghệ nhân thực thụ và họ nắm rất rõ kỹ thuật tay nghề của mình. Chúng tôi mất gần bốn năm để phát triển dòng gạch ấy.
Ảnh © Bruno Lopes
DB: Quá trình ốp gạch diễn ra thế nào?
MA: Không phải theo cách thức thông thường, vì điều kiện và đặc tính hình học của gạch. Do các nguyên tắc phải tuân thủ đối với công trình kiến trúc hiện có, chúng tôi đi đến giải pháp lắp đặt cơ giới hoá. Chúng tôi làm việc với một công ty đã có kinh nghiệm trong việc lắp đặt gạch gốm sứ ba chiều bằng máy móc. Việc sử dụng loại đất sét nào cũng vô cùng quan trọng. Vùng này có điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, cho nên chúng tôi phải nghiên cứu về đất sét và về mức nhiệt độ phù hợp khi cho nó vào lò nung. Tất cả là một quy trình gần bốn năm. Khi lớp gạch đã được cố định, trên kết cấu hình học tổng thể của mặt tường và bố cục có một mức độ chuyển động vừa đủ, gần như thể chúng đang chuyển động theo mặt trời.
Ảnh © Designboom
DB: Phải, ngày hôm qua mặt tường khác hẳn hôm nay...
MA: Khác hoàn toàn. Và khi trời nhiều mây nó sẽ lại khác nữa. Hy vọng bạn sẽ có dịp đến vào mùa đông và nhìn ngắm nó dưới ánh hoàng hôn. Rất là ngoạn mục.
DB: Xin anh nói về không gian triển lãm chính. Việc xây dựng không gian này không có cột chống hẳn là rất khó khăn?
MA: Phải, khó khăn lắm. May thay chúng tôi làm việc cùng hãng kiến trúc địa phương Afa Consult. Họ là những kỹ sư tuyệt vời, và chúng tôi đã làm việc được với nhau như một tập thể thực thụ ngay từ đầu. Hình dạng elip có ý nghĩa trọng yếu vì nhiều nguyên do. Chúng tôi nghĩ hình elip rất thú vị. Nó vừa có tâm lại vừa có điểm hội tụ, vì thế nó cho chúng tôi nhiều cấu hình đa dạng. Thứ hai, nó tạo ra khả năng tiếp cận không gian trọn vẹn, bởi vì lối đi dốc phải rất dài. Chúng tôi có lắp đặt thang máy, nhưng chúng tôi vẫn muốn một không gian mà mọi người đều có thể hoàn toàn tiếp cận không cần đến thang máy. Thứ ba, hình elip là một cấu trúc rất ổn định, phù hợp cho khu vực nhiều địa chấn này.
Không gian không có cột chống dài 70 mét, rộng 40 mét
Ảnh © Designboom
MA (nói tiếp): Chúng tôi có cơ hội xây dựng một trần nhà hoàn toàn mang tính kỹ thuật, như trong một nhà hát vậy, để người ta có thể thay hay gắn thêm bóng đèn mà không nhất thiết phải ở bên trong gian phòng đó. Dĩ nhiên khi đó chúng tôi phải làm một mái dua khổng lồ, chỉ có được dưới dạng một mái vòm nghiêng, và điều này lại dẫn chúng tôi quay về với kết cấu elip đã hình dung. Vậy là mọi thành phần thiết kế đã ăn khớp với nhau. Chúng tôi mất cả một khoảng thời gian thực sự để tìm ra điều đó. Chính nó đã mở khoá cho toàn bộ đồ án, xét từ góc độ kỹ thuật.
Ảnh © Bruno Lopes
Pedro Gadanho là kiến trúc sư, curator, giáo sư và tác giả người Bồ Đào Nha. Anh được chỉ định làm giám đốc MAAT vào năm 2015. Trước khi đến với cương vị này, Gadanho là curator mảng kiến trúc đương đại tại bảo tàng MoMa, New York. Dưới đây là những chia sẻ của Gadanho về sự khánh thành bảo tàng MAAT.
DB: Anh có thể kể về quá trình hoạch định các không gian bảo tàng?
Pedro Gadanho: Từ đầu tôi đã biết rằng chúng tôi sẽ đối mặt với một số thách thức rất thú vị với công trình này, vì thế tôi nghiên cứu xây dựng một bản hoạch đồ có khả năng bổ túc cho chúng. Nó không phải là kiểu hoạch đồ A hay hoạch đồ B, mà là một hoạch đồ chung gồm các không gian triển lãm tương khớp với nhau ở những địa điểm khác nhau. Chúng tận dụng bản chất đặc biệt và đặc tính không gian của cả hai toà nhà, vì việc tân trang trạm năng lượng lớn đã mang lại cho các không gian triển lãm những điều kiện mà nếu ứng dụng vào cấu trúc mới thì sẽ không hợp lý chút nào. Cái mà bạn sẽ thấy ở đó (bên trong trạm năng lượng đã cải tạo lại) là sự bài trí lại không gian lớn cỡ 1200 mét vuông thành hai phòng triển lãm. Một phòng cho phép trưng bày bộ sưu tập công trình nghệ thuật Bồ Đào Nha từ năm 1968, gồm nhiều tranh vẽ, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và vật phẩm, đòi hỏi một không gian mang tính chất truyền thống – một khối hộp vuông trắng trơn. Phòng còn lại lớn hơn, khoảng 650 mét vuông, dành cho các triển lãm lưu động.
Ảnh © Designboom
DB: Khả năng bố trí các triển lãm lưu động quan trọng có ý nghĩa thế nào?
PG: Đây là một ý niệm quan trọng, vì ở Lisbon suốt 15-20 năm qua mọi người chưa từng được chiêm ngưỡng bất cứ triển lãm nào từng du hành trên khắp châu Âu, từ cơ sở này sang cơ sở khác. Hãy hình dung nhiều người khác nhau cùng đến chiêm ngưỡng một triển lãm đã du hành từ Tate sang một bảo tàng ở Đức, rồi sang một bảo tàng ở Ý, vốn đòi hỏi rất nhiều về giá trị nghiên cứu và nội dung. Chúng tôi vừa nhận về một triển lãm do bảo tàng Vitra tổ chức, và mới hôm qua chúng tôi đã khai trương triển lãm Eames từ trung tâm Barbican. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhận về những triển lãm khác mà chúng tôi đánh giá là quan trọng, vì mục đích giáo dục và cả mục đích kinh tế nữa. Không phải ai ở Bồ Đào Nha cũng có thể du lịch đến Luân Đôn để xem triển lãm, nên chúng tôi sẽ mang các triển lãm về đây.
Toà nhà được thiết kế để có thể thay đổi dáng vẻ tuỳ theo điều kiện thời tiết
Ảnh © Designboom
DB: Không gian triển lãm lớn đã được thiết kế ra sao để có thể chứa được các triển lãm này?
PG: Đó là một không gian trải rộng đầy ấn tượng với kích thước 70 x 40 mét – không có bất cứ cột chống nào – một không gian mà bạn nhìn thấy tức thì khi bạn đi vào bảo tàng. Một không gian đòi hỏi nhiều công sức đầu tư. Tôi nghĩ chỉ các nghệ sĩ có óc cảm thụ không gian tinh tế và đã từng làm việc trên các tác phẩm sắp đặt quy mô lớn mới có thể thật sự thống trị không gian này ở một tầm mức nhất định. Sẽ không hợp lý nếu tạo vách ngăn để bài trí tranh vẽ trưng bày tại đây. Vậy nên không gian này sẽ luôn được sử dụng cho các tác phẩm sắp đặt đặc trưng của những nghệ sĩ khách mời, thường là những nghệ sĩ quốc tế chuyên phục vụ lớp khán giả đến Lisbon trong cơn bùng nổ du lịch đang diễn ra tại thành phố này.
DB: Bảo tàng dự định sẽ tiếp cận khách du lịch như thế nào?
PG: Hầu hết du khách là nhưng người đến vào các kỳ nghỉ. Họ ghé lại trong hai, ba ngày. Họ đến từ Luân Đôn, Paris, Frankfurt, Milan, Rome, Madrid. Trong vài ngày ở đây, họ muốn đến nhà hàng, đến bãi biển, đi dạo vòng quanh thành phố, và, nếu có thể, viếng một bảo tàng. Vì thế phải có một bảo tàng phục vụ cho hiểu biết của họ về các lĩnh vực nghệ thuật đương đại và tên tuổi quốc tế mà công chúng rộng lớn ngày nay đã biết. Do đó Dominique Gonzalez-Foerster là một lựa chọn rất quan trọng với chúng tôi – một người rõ ràng đã có liên hệ với thế giới kiến trúc suốt nhiều năm, biết chuyển tải mối quan hệ và giao thoa giữa nghệ thuật và kiến trúc, vốn cũng là đề tài của bảo tàng của chúng tôi.
Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng cảnh quan trên cao từ nóc bảo tàng
Ảnh © Designboom
Ảnh © Paulo Coelho, EDP Foundation cung cấp
Ảnh © Paulo Coelho, EDP Foundation cung cấp
Giám đốc MAAT Pedro Gadanho (trái) và giám đốc AL_A Max Arrocet (phải)
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Ảnh © Designboom
Sơ đồ quy hoạch
Ảnh do AL_A cung cấp
Sơ đồ mặt bằng tầng trệt
Ảnh do AL_A cung cấp
Sơ đồ mặt bằng tầng 1
Ảnh do AL_A cung cấp
Sơ đồ mặt bằng tầng 2 (nóc)
Ảnh do AL_A cung cấp
Mặt cắt
Ảnh do AL_A cung cấp
Mặt đứng phía tây
Ảnh do AL_A cung cấp
Thông tin đồ án:
Khách hàng: Quỹ EDP
Kiến trúc: AL_A
Kiến trúc sư trưởng: Amanda Levete
Giám đốc đồ án: Maximiliano Arrocet
Nhóm thực hiện: Fernando Ruiz Barberan, Mirta Bilos, Alex Bulygin, Grace Chan, Sara Ortiz Cortijo, Alice Dietsch, Ciriaco Castro Diez, Yoo Jin Kim, Ilina Kroushovski, Michael Levy, Cristina Revilla Madrigal, Stanislaw Mlynski, Ho-Yin Ng, Giulio Pellizzon, Raffael Petrovic, Chloe Piper, Filippo Previtali, Arya Safavi, Maria Alvarez-Santullano, Joe Shepherd, Paula Vega, Konstantinos Zaverdinos
Kiến trúc địa phương: Aires Mateus E Associados
Kỹ sư xây dựng, kết cấu và quy hoạch đô thị; ánh sáng: Afaconsult
Cảnh quan: Vladimir Djurovic Landscape Architecture
Ánh sáng nhà hàng và cửa hiệu: SEAM Design
Giám sát công trường; quản lý đồ án: Technoplana
Cố vấn năng lượng và môi trường: Edificios Saudaveis
Thầu chính: Alves Ribeiro
Thầu phụ: Ceramica Cumella – Ceramic Facade Fabrication Disset – Ceramic Facade Installation
Biên dịch: HC
Xem bài viết gốc tại đây.