amedia

Mê cung bằng tre của Franco Maria Ricci ở Fontanellato

07-04-2014 06:45:33


alt

 

bamboo labyrinth by franco maria ricci in fontanellato near parma

Mê cung bằng tre của Franco Maria Ricci ở Fontanellato

Nhà sưu tầm nghệ thuật và thư sách người Ý Franco Maria Ricci vừa cho thực hiện một công trình mê cung vĩ đại, có thể nói là mê cùng lớn nhất hành tinh, ở quê nhà của mình (Fontanellato, nước Ý). Công trình mang tên Labirinto Della Masone, là một công viên văn hóa, do chính chủ nhân thiết kế cùng các kiến trúc sư Ý Pier Carlo Bontempi và Davide Dutto. Công trình được khởi công tám năm trước và giờ đã sắp sửa hoàn thành – dự kiến sẽ khai trương cuối năm nay.

FMR-labyrinth_01

Mê cung rộng mười bảy mẫu đất, được tạo thành hoàn toàn từ những bụi tre gồm nhiều chủng loại. “Tôi đã tuyển chọn 120 ngàn cây tre thuộc nhiều giống khác nhau cho mê cung. Tre là một loài thực vật thú vị – không bị sâu bệnh, không rụng lá vào mùa đông, và lại giúp lọc khí thải CO2...” Franco Maria Ricci nói.

bamboo-labyrinth

Quỹ Franco Maria Ricci chịu trách nhiệm quản lý và bảo tồn mê cung này, đã đưa ra một bản điều luật, trong đó hai mục tiêu được đặt ra gồm: bảo tồn và quảng bá các tác phẩm được lưu trữ trong bảo tàng và thư viện của công viên, và bảo vệ cảnh quan công viên dựa trên các tiêu chí đã định. Một trong các ước vọng thôi thúc tôi thực hiện công trình này là tạo dựng một mối liên kết giữa hai thứ dường như được sinh ra cho nhau: tre và thung lũng Po.”

labyrinth-ricci

“Các hàng rào tre – một số vươn cao tới 5 mét – được trồng trong một vuông đất cạnh 300 mét, tạo thành một hệ thống lối đi với chiều dài tổng cộng 3 cây số.  Tôi sẽ rất vui nếu, trong vài năm nữa, giống cây này trở thành một thành tố quan trọng của cảnh quan thung lũng Po, và các nhà doanh nghiệp sẽ bắt đầu tận dụng vẻ đẹp tinh tế của lũy tre vào việc che chắn những nhà xưởng công nghiệp xấu xí vẫn hiện diện nhan nhản trên phố phường và đường cao tốc của chúng ta. Quỹ của tôi sẽ cung cấp tre cũng như dịch vụ tư vấn ứng dụng cho họ. Và tôi còn có một sáng kiến nhiều tham vọng hơn, đó là mở trường dạy nghệ thuật mùa hè, chủ yếu dành cho người nước ngoài, nhằm truyền bá kho tàng nghệ thuật và các di sản của vùng này, bằng các lớp học và tour du lịch có hướng dẫn viên.”

franco-maria-ricci-labyrinth-designboom

Mê cung có nhiều loại: Cretan Labyrinth – gồm bảy mạch lối đi, Roman Labyrinth – vuông vức và được chia làm các phần tư, Church Labyrinth – gồm 11 mạch lối đi, giống biểu đồ tròn. Franco Maria Ricci chọn mẫu mê cung thứ hai cho thiết kế của mình – gồm một khu vực trung tâm và một chu vi hình sao, với bốn mạng mê lộ liên thông với nhau. Nó biểu thị hành trình cuộc sống của con người từ vô tri đến tỉnh thức. Riêng bố cục các ô vuông chồng chéo lên nhau gợi lại hình ảnh thành lũy hình ngôi sao mà kiến trúc sư Michelangelo đã thiết kế để bảo vệ thành cổ Florence ngày xưa.

franco-maria-ricci-labyrinth-rendering

Bên trong khuôn viên công viên, ngoài mê cung còn có các cơ sở văn hóa với diện tích tổng cộng 54 ngàn foot vuông, gồm nhà lưu trữ bộ sưu tập nghệ thuật của Franco Maria Ricci (khoảng 500 tác phẩm có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20) và một thư viện trưng bày một số tác phẩm nổi tiếng nhất về typography và nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm của Gian Battista Bodoni và toàn bộ tác phẩm của Alberto Tallone. Tất cả những cuốn sách do Franco Maria Ricco viết, soạn và biên tập trong năm mươi năm sự nghiệp của mình cũng sẽ được đưa vào bộ sưu tập.

Trung tâm của mê lộ là một quảng trường rộng 22 ngàn foot vuông, được bao quanh bởi những dãy cột chắc chắn. Các gian phòng kiểu salon rộng rãi được bố trí quanh quảng trường này, làm địa điểm tổ chức hòa nhạc, tiệc tùng, triển lãm, và các sự kiện văn hóa. Một nhà thờ nhỏ hình kim tự tháp được bố trí hướng mặt ra mê cung, như một biểu tượng của niềm tin. Có hai nhà ăn: một nhà ăn đơn giản, giá cả phải chăng với các món đặc sản địa phương (prosciutto, torta fritta, v.v), và một nhà ăn được đầu tư hết mức cho nội thất, dịch vụ cũng như chất lượng món ăn nhằm gây ấn tượng khó quên nơi thực khách. Khách đến công viên cũng có thể tìm đến khu chợ ẩm thực để mua các sản vật truyền thống, và nhà sách để tìm những cuốn sách hiếm mà Franco Maria Ricci đã cho xuất bản trong thời kỳ ông còn làm việc tại nhà xuất bản. 

ricci_piramide

Trước thời Phục Hưng, ở châu Âu có rất nhiều công trình vườn cây kỳ vĩ. Các tu viện đều có một hortus conclusus, một khu vườn dành riêng cho việc thiền định và cầu nguyện. Trong các khu vườn có những buồng lộ thiên cho người cầu nguyện ngồi bên trong tiếp xúc với những sinh vật khác do Chúa tạo ra như chim chóc, bươm bướm, sâu bọ... Trong các cung điện, lâu đài, những khu vườn mang tính trần tục hơn, nhưng cũng không kém phần tráng lệ. Nếu bạn du lịch một vòng châu Âu, bạn sẽ có dịp viếng thăm nhiều vườn cây và mê cung cổ xưa, mặc dầu chỉ có một số chúng còn giữ được trạng thái nguyên thủy.

Ở nước Ý có hai mê lộ được bảo tồn tương đối tốt. Cả hai đều nằm không xa Padua và đều còn giữ được hầu hết nguyên trạng: một trong dinh thự Barbarigo ở Valsanzibio, có từ giữa thế kỷ 17, và một trong dinh thự Pisani ở Stra, có từ khoảng 1720. Thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là một khoảng thời gian ảm đạm của mê lộ. Một số khi đó đã bị phá hủy. Số khác bị bỏ hoang, cỏ dại lấp dấu. Những người đã xây dựng nên các công trình đầy bí hiểm này như hình ảnh phản chiếu vinh quang và mơ ước của mình đều đã khuất.

current

“Cùng với các hang động và các nymphaeum (những cấu trúc được xây để tôn vinh các nữ thần sông suối trong thần thoại), vườn cây và mê lộ là những tác phẩm được tạo thành từ trí tưởng tượng xa xưa nhất của nhân loại. Hình ảnh vườn địa đàng tuyệt đẹp – mà Adam và Eve lúc vừa được tạo ra đã phải không ngừng giụi mắt ngỡ ngàng khi chiêm ngưỡng nó – là hiện thân của sự thơ ngây và hạnh phúc. Trái lại, mê cung là nguồn gốc của hỗn mang: nó phản ánh cảm giác bối rối của chúng ta về thực tại và những nỗ lực ta phải thực hiện để vượt qua cuộc sống thường nhật. Tất cả những điều này đều được ghi lại trong sách.” – Trích lời Franco Maria Ricci.

labyrinths_book-by-franco-maria-ricci

Cuốn sách nói trên, Labyrinth: The Art of the Maze (tạm dịch: Mê Lộ: Nghệ Thuật Hỗn Mang) đã được nhà xuất bản Rizzoli ấn hành. Bạn có thể đọc bài điểm sách của Designboom về nó ở đây.

Trong cuốn sách này Franco Maria Ricci khám phá vẻ đẹp của những mê cung dưới mọi hình thức – những hoa văn kiểu graffiti được vẽ trên đồ sành, các hoa văn in chìm trên đồng xu, những họa tiết khắc trên tường các giáo đường, và các mê lộ vườn – kèm theo các trích dẫn văn học từ Heordotus và Pliny đến Jorge Luis Borges.

Nhà triết học và chuyên gia ngữ nghĩa học Umberto Eco viết lời đề tựa cho quyển Labyrinths: The Art Of The Maze như sau: “Nếu hình ảnh mê cung có hàng thế kỷ lịch sử, điều này có nghĩa là trong hàng vạn năm con người đã bị mê hoặc bởi cái gì đó phản ánh lại hình ảnh của chính họ hay của vũ trụ. Có vô vàn tình huống trong đó người ta có thể dễ dàng đi vào, nhưng khó mà thoát ra được, và ở lần cố gắng đầu tiên, thật khó mà nghĩ đến những tình huống trong đó vào thì khó mà ra thì dễ.”

 

Biên dịch: HC


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: