amedia

Nhà ở từ nhựa tái chế của Julien de Smedt và Othalo

24-11-2020 00:07:07


Julien de Smedt, nhà sáng lập JDS Architects, vừa bắt đầu cộng tác với công ty khởi nghiệp Na Uy Othalo – công ty mới phát triển một công nghệ có đăng ký bản quyền sáng chế nhằm tạo ra các bộ phận nhà cửa từ nhựa tái chế 100%. Nhằm Ngày Cư Ngụ Thế Giới 2020 (World Habitat 2020), cả hai công ty mở ra một chiến dịch liên kết với Chương trình Định cư Con người và Phát triển Đô thị Bền vững của Liên Hợp Quốc - UN Habitat.

 

Tất cả hình ảnh do JDS architects/Othalo cung cấp

 

Othalo khẳng định rằng trọng tâm ban đầu của họ là xây dựng nhà ở giá phải chăng, đặc biệt ở khu vực Châu Phi hạ Sahara. Các báo cáo cho biết rằng có gần một tỉ người trên thế giới hiện phải sống trong các ổ chuột, và chỉ riêng ở Châu Phi hạ Sahara thôi, nhu cầu cấp thiết về nhà ở giá rẻ đã đạt tới con số 160 triệu căn. Dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 360 triệu vì tốc độ đô thị hoá chóng mặt. Vì các kỹ thuật xây dựng truyền thống không đủ hiệu quả, không đủ tiết kiệm hoặc không đủ bền vững, chúng ta cần đến một công nghệ giúp nâng cấp vật liệu thải công nghiệp và sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu bức thiết ngày nay.

 

 

Từ năm 1950 đến nay, đã có hơn 9 tỉ tấn nhựa được sản xuất ra trên toàn cầu, mà chỉ 9% con số đó được tái chế. Một nhà ở rộng 60 mét vuông của Othalo có thể giúp tái chế được tám tấn nhựa thải. Điều này nghĩa là với số lượng nhựa thải ngày nay, ta có thể dựng được hơn 1 tỉ nhà ở. Trong 18 tháng tới, Othalo sẽ phát triển loạt bộ phận và thiết kế nhà ở giá rẻ đầu tiên của mình. Công ty dự kiến sẵn sàng đi vào sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022.

 

 

Khi hình dung ra những môi trường sống mới, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc tạo ra những điều kiện sống có kết nối trực tiếp với cộng đồng khu vực và người dùng cuối,” Julien de Smedt nói. “Một khía cạnh đặc biệt hứng khởi mà chúng tôi thấy ở hướng tiếp cận của mình, với tư cách công ty và kiến trúc sư, là mong muốn tạo ra cầu nối giữa giới sản xuất và giới văn hoá-mỹ nghệ địa phương.”

 

 

Vincent Kitio, trưởng bộ phận Năng lượng Đô thị của UN Habitat, nơi chuyên trách nhiều dự án phát triển hoạch định ở Châu Phi, khẳng định: “Trên thế giới hiện nay chỉ có một dạng công nghệ có thể tác động thực tiễn lên vấn đề thiếu thốn nhà ở và chất thải nhựa của Africa, đó là công nghệ Othalo.”

 

 

Othalo hy vọng có thể mở rộng dòng sản phẩm của mình ra nhiều mảng như: kho chứa thực phẩm và dược phẩm lưu động được kiểm soát về nhiệt độ, nhà tạm trú cho dân tị nạn, và các công trình dạng linh kiện lớn hơn như trường học bệnh viện. Quy trình sản xuất mọi hệ thống kiến trúc của Othalo, theo dự định, sẽ được thực hiện ngay tại công trường với vật liệu thô lấy tại địa phương, từ đó tạo ra hàng ngàn công việc cho người dân.  

 

Thông tin đồ án:

Tên: Othalo
Các đơn vị tham gia: Othalo, Jds Architects, Un Habitat, Silje Vallestad

 

Biên dịch: Hương Châu

Xem bài viết gốc trên DESIGNBOOM tại đây


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: