Ngắm búp bê của Hằng
17-12-2013 03:44:35
D.A. Magazine - Tạo dáng CN
Những cô bé búp bê với đủ những tâm trạng, hành động khác nhau tạo nên cả một miền cảm xúc.
Nhìn những bức hình chụp các tác phẩm của Trần Thu Hằng trên internet, trước khi tới xem triển lãm, người viết “tự kỷ ám thị” một hình ảnh tưởng tượng trong đầu: một cô gái đang cặm cụi với một khúc gỗ và các dụng cụ thô ráp. Cô cặm cụi đẽo gọt nên những con búp bê rồi tô vẽ cho chúng một cách hoàn toàn tuỳ tiện theo cảm xúc. Cứ bị ám ảnh như vậy nhưng thực ra không phải. Thực tế còn thú vị hơn những gì được tưởng tượng rất nhiều.
Triển lãm Art dolls: Thủ thỉ khai mạc tại trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản – Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội) từ ngày 7.9 và trưng bày tới hết ngày 7.10. Triển lãm gồm 20 tác phẩm là những con búp bê chủ yếu được làm bằng gỗ do nghệ sĩ trẻ Trần Thu Hằng tạo nên.
Những con búp bê hay nói đúng hơn là những cô bé búp bê với đủ những tâm trạng, hành động khác nhau tạo nên cả một miền cảm xúc về những ký ức tuổi thơ, trẻ con ngộ nghĩnh của mọi cô gái trên đời. Hằng tâm sự: “Tôi mang đến cho búp bê tiếng nói và tâm hồn, để chúng đưa mọi người tới một không gian, mà ở đó, chỉ có những tiếng thủ thỉ của búp bê và những điều búp bê muốn nói”. Vì cái cớ đó mà triển lãm có tên Thủ thỉ.
Như đã chia sẻ ở trên, khi bước tới triển lãm, những gì người viết tưởng tượng hoàn toàn “sụp đổ”. Không phải một cô gái ngồi đẽo gọt những thanh gỗ mà là một cô gái – nghệ sĩ xinh đẹp luôn tay luôn chân trong cái xưởng nghệ thuật nho nhỏ của mình trên đoạn video clip được chiếu trong triển lãm. Những món đồ nghề của người thợ mộc như chiếc tiện, chiếc bào, những chiếc máy cắt, máy cưa thường nặng nề, thường khiến người ta nghĩ tới hình ảnh người thợ vất vả và công việc nặng nhọc. Ấy vậy mà người thao tác chúng lại là một cô gái. Và cái cách cô sử dụng những thứ đồ nghề của mình cũng thật là thú vị. Nhẹ nhàng, cứ thoăn thoắt cái này rồi lại cái kia. Và đó là cách Hằng tạo ra những em búp bê xinh xắn mà nghịch ngợm với kỹ thuật điêu khắc rất tinh xảo và tỉ mỉ.
Tác phẩm có tên Nào! Không cười. Ảnh: Mai Kỳ
|
Búp bê của Hằng kể chuyện trẻ con không chịu ăn cơm. Chuyện các cô bé bắt chước cô giáo để “dạy dỗ”… búp bê. Chuyện tập xe đạp trong vườn nhà mà cũng phải đội “nồi cơm điện”. Búp bê của Hằng có khi đứng một mình nhưng cũng có lúc được đặt vào một phối cảnh. Nhưng trên tất cả, búp bê của Hằng toát lên cho người thưởng lãm một sự thích thú đặc biệt. Những khán giả nhí của buổi khai mạc triển lãm thì chỉ thèm thuồng được sờ vào một em búp bê.
Thậm chí ai mà bảo cho chọn một em bưng về thì chắc là sướng chết đi được! Những cô gái trẻ, những người mẹ, người chị và thậm chí cả những người bà thì được sống lại những ký ức của tuổi thơ. Con gái đứa nào chả thích búp bê. Hằng cũng thích búp bê. Cũng có một tuổi thơ gắn với những em búp bê. Và vì thế khi chọn cho mình phong cách nghệ thuật art doll, Hằng chạm ngay được vào cảm xúc của người thưởng thức. Bởi cô chính là nhà phê bình đầu tiên của những em búp bê được tạo ra.
Chia sẻ với những người tới triển lãm của mình, Trần Thu Hằng bảo cô sẽ mượn búp bê để tiếp tục nói những câu chuyện khác chứ không chỉ mãi ôm ấp những cảm xúc của quá khứ tuổi thơ. Triển lãm lần này, Hằng cũng đã giới thiệu tám tác phẩm mang những câu chuyện “thời sự” hơn như tinh thần người Nhật Bản trong thảm hoạ, hình ảnh cuộc sống vùng cao hay ghi dấu những phong tục truyền thống của Việt Nam. Những câu chuyện được nhìn dưới con mắt riêng của Hằng và của… búp bê.
Tác phẩm Ở lớp cô dạy em thế. |
|||||
Tác phẩm Ngủ gật.
|
(SGTT)
|