Người sáng tạo sơn mài kỹ thuật số
16-12-2013 22:52:08
D.A. Magazine - Nhân vật
Hẳn sẽ còn nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều về một sản phẩm nghệ thuật rất cổ truyền, mà cũng rất hiện đại này.
Sáu tháng không phải là một khoảng thời gian dài so với sáu năm tạo dựng một cơ đồ ổn định. Sáu tháng càng ít ý nghĩa khi đem so với 20 năm ấp ủ một niềm đam mê, một tình yêu. Nhưng 180 ngày có vẻ ngắn nhưng đã tương đối đủ để dần biến niềm đam mê từ thuở thiếu thời thành hiện thực, dù con đường phía trước vẫn còn lắm chông gai.
Hơn 20 năm trước, chàng thanh niên Hoàng Cao Khải đã lập tức phải lòng nghệ thuật vẽ tranh sơn mài ngay từ lần đầu tiên ghé qua xưởng sơn mài của một người anh ở Tân Định. Tiếp theo đó là một chuỗi những ngày dài lê la tìm tòi, chuyện trò với những người thợ làm vóc, mài sơn, những nghệ nhân vẽ tranh… để thoả chí tò mò đầy thú vị về một nghệ thuật luôn được anh đánh giá là “độc đáo và duy nhất của người Việt”. Nhưng rồi tình yêu đầu đời với sơn mài cũng lặng lẽ trôi qua, cũng bởi với chàng trai luôn tự nhận mình thiên về kỹ thuật hơn là nghệ thuật ngày ấy, theo đuổi niềm đam mê này là sự can đảm vượt ra ngoài khả năng của bản thân.
Giờ đây, trong lần gặp nhau gần đây nhất, ánh mắt anh lộ rõ vẻ lấp lánh tự hào khi đưa tôi xem ba bức ảnh khổ lớn của nhà vua Thái Lan mà một đối tác bên đấy gửi sang để nhờ vẽ lại, in trên sơn mài kỹ thuật số để tặng một người trong hoàng tộc, khởi động cho việc đưa sản phẩm này đến với khách hàng người Thái. Nhưng ở đâu đó trong ánh mắt, chợt thoáng qua một chút buồn khi nhắc đến việc những sản phẩm tâm huyết và ưng ý nhất của anh, người đón nhận đầu tiên luôn là những đối tác, khách hàng nước ngoài.
Sáu năm trước, khi trào lưu in ấn kỹ thuật số cao cấp bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam, vị giám đốc của một trong những công ty in kỹ thuật số hàng đầu Việt Nam hiện nay bắt đầu cơ nghiệp của mình với chiếc máy đầu tiên, từ một xưởng sản xuất đầy tính gia đình. Đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành thành một công ty lớn mạnh, dấu ấn gia đình vẫn còn rất rõ nét ở nơi đây. Ở quãng đường đó, sự nhanh nhạy tiếp cận với các kỹ thuật, chất liệu, sản phẩm in ấn mới, cộng với việc đầu tư tích cực vào việc nâng cấp máy móc theo kịp sự phát triển của thế giới đã đem lại cho anh lợi thế khá lớn trong việc cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình.
Luôn nhanh nhạy với việc cập nhật những công nghệ mới nhất của thế giới để phục vụ cho những sản phẩm của mình, anh hầu như luôn có mặt ở những triển lãm, hội chợ ngành in tổ chức ở các nước trong khu vực. Trong một lần như thế, anh trở thành người đầu tiên ở Việt Nam khuân về chiếc máy in mực UV khổ lớn “với giá 1 triệu (USD) mua được những bốn chiếc” – như lời anh hay bông đùa với anh em. Công nghệ mực in mới này là một bước tiến vượt bậc khi in được trên hầu hết mọi chất liệu, từ giấy, decal, lụa, gỗ, nhựa, thậm chí cả đá granit… Và rồi đam mê đầu đời vụt trở lại khi anh chợt nhận ra rằng, chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại nhất tại Việt Nam này hoàn toàn có thể in trên chất liệu mà xưa nay chưa ai từng nghĩ có thể in được: sơn mài.
Nghĩ là làm, thuê nhà, mở xưởng, tập hợp những người thợ giỏi chuyên môn về sơn mài về làm vóc, với đúng quy trình và chất lượng truyền thống, phun nhũ, thếp quỳ vàng, quỳ bạc, miệt mài bắc lên máy in đi, in lại để cho ra những sản phẩm sơn mài kỹ thuật số ưng ý hầu như đã chiếm hết toàn bộ quỹ thời gian của anh trong sáu tháng qua.
Người bạn già hoạ sĩ Nam Anh ngày nào được anh mời về, lại miệt mài cầm bút vẽ, nhưng không phải là những bức sơn mài truyền thống như ngày xưa, mà là trên màn hình cảm ứng, lại cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật ưng ý của mình. Tính chất đặc trưng in mực nổi hẳn lên vóc của công nghệ in UV mới nhất dường như ra đời để ủng hộ cho sản phẩm mới của anh.
Sáu tháng vật lộn với những khung, những vóc, với máy in đã cho ra đời một sản phẩm tương đối hoàn chỉnh, nhưng với anh, điều đấy là chưa đủ. Những ngày cuối năm này, anh lại cặm cụi cùng thợ nghiên cứu cẩn từng vỏ trứng, mảnh ốc, lát tre để hoàn chỉnh hơn nữa những sản phẩm, cũng là tác phẩm của mình.
Thành công nào cũng có sự trả giá, cái giá của việc thành công bước đầu trong sản phẩm sơn mài kỹ thuật số là việc phải gác lại dự định tung ra sản phẩm mới in tranh 3D khổ rộng, rồi chiếc máy in photo book đã đặt cọc tiền cũng tạm thời phải “chờ mai tính” trong sự chờ đợi của khách hàng, vì không đủ thời gian và tâm huyết đầu tư. Bằng con số cụ thể, ngót trăm triệu đồng một tháng đổ vào đây cũng hoàn toàn không phải là điều đơn giản. Nhưng với anh, việc tìm ra được lời giải cho câu hỏi “Vì sao sơn mài – sản phẩm nghệ thuật mang tính đặc trưng nhất của Việt Nam, ngoài những tác phẩm đỉnh cao của các hoạ sĩ tài danh, chỉ là những sản phẩm mang tính chất lưu niệm, còn ở giữa là cả một khoảng trống mênh mông?” đã có lời giải đáp.
Những tác phẩm sơn mài cực kỳ khó để sao chép chính xác, bởi chính người hoạ sĩ sau khi mài đi những lớp sơn của mình vẽ mới có thể biết được chính xác hình thù của tác phẩm, nay đã không còn mang tính độc bản với việc in bằng máy, đem lại một sản phẩm đặc sắc với giá chấp nhận được cho những người yêu nghệ thuật có thể sở hữu. Độc đáo hơn, không những là tranh, mà ảnh sơn mài cũng là một nét độc đáo mới của chất liệu vốn dĩ đã có từ rất lâu đời này.
Luôn ăn mặc chỉn chu và lịch sự với quần tây, áo sơmi dài tay bỏ trong quần, nhưng tôi đã từng rất thắc mắc khi thấy trên măngsét áo sơmi của anh luôn có những vệt bẩn. Để rồi chính tôi cũng bật cười khi thấy anh dùng tay áo lau qua những bức sơn mài cho bóng loáng lên trước mỗi lần cầm lên giới thiệu, say mê nói về nó, hồn nhiên như ngày nào còn nhỏ, tôi vô tư chui xuống gầm giường nhặt trái banh mà mình yêu thích, bất chấp mạng nhện dính đầy đầu.
Không tự hào sao được, khi những sản phẩm của anh đã nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ khi tham gia triển lãm Digital Art vừa qua. Thậm chí vài hoạ sĩ gạo cội trong giới mỹ thuật Sài Gòn đã mạnh dạn gửi gắm những tác phẩm của mình để anh lưu giữ lại nó trên chất liệu sơn mài này.
Chắc hẳn sẽ còn rất nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều về một sản phẩm nghệ thuật rất cổ truyền, mà cũng rất hiện đại này. Nhưng như anh đã nói, điều quan trọng nhất là đưa được những giá trị đậm chất truyền thống và tưởng chừng như rất đỗi cao sang này đến với mọi người mới là điều quan trọng nhất, như hợp đồng mới nhất của anh cung cấp hơn 40 bức tranh sơn mài kỹ thuật số độc quyền khổ lớn chuyên vẽ về sen cho một khách sạn lớn ở Huế. Và như thế, trong ý thức sâu xa nhất của một người con của Việt Nam, tôi thật lòng ước mong và cầu chúc anh sẽ thành công.
Bài: Quế Nam - Ảnh: Trần Việt Đức- SGTT