amedia

ORGANIC DESIGN VÀ NGHỆ THUẬT THIẾT KẾ

12-08-2020 11:21:44


Bàn về thiết kế hữu cơ khởi nguồn từ kiến trúc hữu cơ và xu hướng nghệ thuật thiết kế hậu hiện đại. Nhân tiện bàn về bài viết “Điều tra về phong cách thiết kế hữu cơ”(Các yếu tố thiết kế của Ross Loveglove là một ví dụ) của Chi-H Simulator Chen, Trường Sau đại học về Thiết kế Sáng tạo, Đại học Khoa học và Công nghệ Yunlin và Pei-Yi Sung, Khoa Thiết kế Sản phẩm, Học viện Công nghệ Chungyu  - chenchs@yuntech.edu.tw)


Để thấy thiết kế hữu cơ như một xu hướng không mới nhưng có nhiều biến thể tiếp biến từ thời chủ nghĩa hiện đại sang hậu hiện đại cuối thế kỷ 20 và tiếp tục ở một trình cao hơn trong xu hướng nghệ thuật tổng hợp thời hậu hiện đại thế kỷ 21 này, bài viết bàn về thiết kế hữu cơ khởi nguồn từ những ý niệm của KTS Frank Lloyd Wright về kiến trúc hữu cơ, nghệ thuật trừu tượng hữu cơ cho tới thiết kế hữu cơ trong lĩnh vực MTƯD/design đang còn tiếp tục trên con đường tìm kiếm đặc trưng của một phong cách có tên gọi phong cách hữu cơ thể hiện qua ngôn ngữ thiết kế hình dáng, màu sắc và chất liệu cùng những triết lý hay “chủ nghĩa” của xu hướng.    

Một số khái niệm

Kiến trúc Hữu cơ – Nghệ thuật Trừu tượng Hữu cơ - Thiết kế Hữu cơ - Phong cách Hữu cơ (Organic Architecture - Organic Abstraction - Organic Design - Organic Style).

  • Các khái niệm Organic Style  Organic Design chưa có mục từ trên Wikipedia tiếng Anh cũng như Phong cách Hữu cơ và Thiết kế Hữu cơ chưa có trên Wikipedia tiếng Việt.
  • Organic Architecture  Organic Abstraction có trên Wikipedia tiếng Anh nhưng Kiến trúc Hữu cơ  Nghệ thuật Trừu tượng Hữu cơ  chưa có trên Wikipedia tiếng Việt.
  • Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Organic_architecture, thuật ngữ “Kiến trúc Hữu cơ” (Organic Architecture) được đặt ra bởi Frank Lloyd Wright. Kiến trúc hữu cơ là một triết lý của kiến trúc nhằm thúc đẩy sự hài hòa giữa nơi ở của con người và thế giới tự nhiên... vì vậy các tòa nhà, đồ đạc và môi trường xung quanh trở thành một phần của một bố cục thống nhất, có liên quan với nhau.

Nhiều bài viết về kiến trúc hữu cơ và thiết kế hữu cơ thường dẫn theo ý này và minh họa bằng Biệt thự trên thác nước, một kiến trúc hình học hiện đại là điển hình cho “kiến trúc hữu cơ” khởi đầu của Frank Lloyd Wright.

  • Theo https://en.wikipedia.org/wiki/Organic_abstraction, Trừu tượng Hữu cơ (Organic Abstraction) là một phong cách nghệ thuật đặc trưng bởi “việc sử dụng các hình thức trừu tượng tròn hoặc lượn sóng dựa trên những gì người ta tìm thấy trong tự nhiên.” [1]

Tra cứu tiếp khái niệm [1] thấy bài của Dr. Michael Delahoyde viết về Trừu tượng Hữu cơ (Organic Abstraction).

Dr. Michael Delahoyde ghi nhận đã tham khảo sách của Amy Dempsey Art in the Modern Era: A Guide to Styles, Schools & Movements. (Nghệ thuật trong kỷ nguyên hiện đại: Hướng dẫn về Phong cách, Trường phái và các Trào lưu, (NY: Harry N. Abrams Inc., Pub., 2002).  

Theo Dr. Michael Delahoyde, Washington State University, trong bài viết về phong cách Trừu tượng hữu cơ nói trên, có đoạn mở đầu (G tạm dịch): “Mặc dù thực tế không cấu thành một phong trào nghệ thuật, việc sử dụng các hình thức trừu tượng tròn hoặc lượn sóng dựa trên những gì người ta tìm thấy trong tự nhiên là một đặc điểm của nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ giữa thế kỷ (XX)”.  Và ông dẫn ra nhiều mẫu đồ nội thất (furniture) của Isamu Noguchi, Charles Eames, Achille Castiglioni, Eero Saarinen, tất cả đều được thiết kế trong thập niên 1940s có đặc điểm hình dáng uốn lượn thoát khỏi kiểu dáng hình học. Còn Henry Moore có tác phẩm năm 1936 không phải furniture mà là tác phẩm điêu khắc Reclining Figure .      

Cũng trong sách này, nhưng của Nxb Thames & Hudson (2002), chỉ có Hữu cơ Trừu tượng (Organic Abstraction) được nhắc đến như một phong cách, đúng như Dr. Michael Delahoyde đã nói Organic Abstraction chỉ là một style trong thiết kế sáng tạo tác phẩm/sản phẩm nhưng “không cấu thành một phong trào nghệ thuật” chính thống, ông không sử dụng thuật ngữ Organic Style!

Amy Dempsey, The essential encyclopedic guide to modern art: Styles, Schools & Movements. (Hướng dẫn Bách khoa toàn thư cần thiết cho nghệ thuật hiện đại: Phong cách, Trường phái và các Trào lưu, Nxb Thames & Hudson, 2002.

Ghế hữu cơ của Charles Eames và Eero Saarinen

Ghế hữu cơ (Organic Chair) “Được hình thành vào năm 1940 cho một cuộc thi đồ nội thất do Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York tổ chức, chiếc ghế đại diện cho một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của các nhà thiết kế và là một công việc quan trọng trong toàn bộ thời đại. Nhiều thiết kế ghế sau này, hiện là biểu tượng của Charles và Ray Eames - và cả Eero Saarinen - về mặt khái niệm và cấu trúc dựa trên mô hình này”. (The Organic Chair - A Key Piece of Mid-century Modern Design - https://www.vitra.com/en-us/magazine/details/the-organic-chair).

Khái niệm phong cách hữu cơ như tiêu chí cuộc thi có viết: “Một thiết kế có thể được gọi là hữu cơ nếu, bên trong đối tượng nói chung, có một mối quan hệ hài hòa giữa các yếu tố riêng biệt liên quan đến cấu trúc, vật liệu, và mục đích sử dụng.” (A design can be called organic if, within the object as a whole, there is a harmonious relationship between the individual elements as regards structure, material, and purpose. ).

Ghế hữu cơ (Organic Chair) mẫu A3501 thắng giải cuộc thi Thiết kế hữu cơ trong nội thất gia đình và mẫu ghế trưng bày trong bảo tàng Vitra.

Ghế hữu cơ đoạt giải cuộc thi “Thiết kế hữu cơ trong nội thất gia đình” (Organic Design in Home Furnishing) của Charles Eames và Eero Saarinen, mẫu A3501 sau này được trưng bày cả trong Bảo tàng Vitra: “Ghế hữu cơ - một chiếc ghế đọc sách nhỏ và thoải mái - đã được phát triển trong một số phiên bản cho cuộc thi “Thiết kế hữu cơ trong nội thất gia đình” năm 1940 do Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York tổ chức.

Với hình dạng điêu khắc của nó, thiết kế đã đi trước thời đại. Nhưng do không có các kỹ thuật sản xuất phù hợp, chiếc ghế bành không bao giờ đi vào sản xuất. Mãi cho đến năm 1950, người ta mới có thể sản xuất và đưa ra thị trường vỏ ghế có hình dạng hữu cơ với số lượng lớn…”. Bảo tàng Vitra đã “Kiểm tra chặt chẽ chiếc ghế này (A3501) không chỉ cho thấy tầm quan trọng bị bỏ quên từ lâu trong vai trò của nó trong lịch sử thiết kế, mà còn thu hút sự chú ý đến chất lượng chức năng và tính thẩm mỹ vượt thời gian của nó. Sự công nhận này đã khơi dậy ý tưởng tái bản chiếc ghế, được Vitra đưa ra vào năm 2004. Kể từ đó, Ghế hữu cơ - cái tên là một lời nhắc nhở về cuộc cạnh tranh mà nó đã được tạo ra - đã dần dần giành được vị trí trên thị trường xứng đáng với tầm quan trọng lịch sử của nó”.

Thiết kế hữu cơ (Organic Design) như chủ đề cuộc thi Thiết kế đồ nội thất hữu cơ cho biết “Eames và Saarinen muốn chế tạo lớp vỏ này từ gỗ dán - phần lớn lấy cảm hứng từ đồ nội thất bằng gỗ dán nhiều lớp được thiết kế bởi kiến trúc sư người Phần Lan Alvar Aalto”. 

Frank Lloyd Wright và Alvar Aalto

Nói cách khác “Kiến trúc hữu cơ là một triết lý của kiến trúc nhằm thúc đẩy sự hài hòa giữa nơi ở của con người và thế giới tự nhiên... vì vậy các tòa nhà, đồ đạc và môi trường xung quanh trở thành một phần của một bố cục thống nhất, có liên quan với nhau”. Wright tuân thủ nguyên tắc kiến trúc hữu cơ trong suốt sự nghiệp thiết kế kiến trúc của mình.

Ông cũng phân biệt khái niệm Kiến trúc hữu cơ và Thiết kế hữu cơ và cho rằng hay có sự mơ hồ trong khái niệm, vì chính ông cũng không nói rõ được thuật ngữ “kiến trúc hữu cơ” bởi phong cách viết khó hiểu của ông: “Vì vậy, tôi đứng đây trước các bạn thuyết giảng kiến trúc hữu cơ: tuyên bố kiến trúc hữu cơ là lý tưởng hiện đại và là giáo lý rất cần thiết nếu chúng ta nhìn thấy toàn bộ cuộc sống và bây giờ phục vụ toàn bộ cuộc sống, không có truyền thống thiết yếu cho TRUYỀN THỐNG vĩ đại. Cũng không trân trọng bất kỳ hình thức mặc định nào đang níu giữ chúng ta dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, mà thay vào đó đề cao các quy luật đơn giản về ý nghĩa thông thường hoặc siêu ý nghĩa nếu bạn thích xác định hình thức theo bản chất của vật liệu ...” (Frank Lloyd Wright, 1954. The Natural House. New York: Bramhall House), (p. 3: So here I stand before you preaching organic architecture: declaring organic architecture to be the modern ideal and the teaching so much needed if we are to see the whole of life and to now serve the whole of life, holding no traditions essential to the great TRADITION. Nor cherishing any preconceived form fixing upon us either past, present, or future, but instead exalting the simple laws of common sense or of super-sense if you prefer determining form by way of the nature of materials...)

Frank Lloyd Wright, Biệt thự trên thác nước (Fallingwater), 1939.

Ý tưởng về kiến ​​trúc hữu cơ không chỉ liên quan đến mối quan hệ theo nghĩa đen của các tòa nhà với môi trường tự nhiên, mà cả cách thiết kế của các tòa nhà được suy nghĩ cẩn thận như thể nó là một sinh vật hợp nhất. Kiến trúc hữu cơ không mặc định ngôn ngữ hình thức, nhất là ngôn ngữ tạo hình cong tròn, uốn lượn như trong khái niệm thiết kế hữu cơ sản phẩm.

Còn Alvar Aalto (1898-1976) là một kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế đa tài người Phần Lan. Ông thiết kế kiến ​​trúc, đồ nội thất, hàng dệt và đồ thủy tinh, cũng như các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ. Ông không bao giờ coi mình là một nghệ sĩ, coi hội họa và điêu khắc là “cành lá của cây kiến ​​trúc”. Sự nghiệp của Aalto trải dài những thay đổi trong phong cách từ (Chủ nghĩa cổ điển Bắc Âu) sang Chủ nghĩa hiện đại Phong cách quốc tế thuần túy đến Chủ nghĩa hiện đại cá nhân.  Alvar Aalto trong những năm 1930 đã dành thời gian thử nghiệm với gỗ nhiều lớp, điêu khắc và phù điêu trừu tượng, đặc trưng bởi các hình dạng cong không đều. (https://en.wikipedia.org/wiki/Alvar_Aalto ).

Alvar Aalto không nổi tiếng với kiến trúc hữu cơ mà là kiến trúc theo Chủ nghĩa Hiện đại Quốc tế với những thiết kế ghế, “đồ nội thất bằng gỗ dán nhiều lớp”, những kiểu ghế có mặt ngồi và lưng tựa uốn cong khi ép dán định hình các lớp gỗ mỏng và bản thân ông cũng không gọi chúng là ghế hữu cơ.

Như trong bài Chủ nghĩa hiện đại và thế giới tự nhiên - những thiết kế của Alvar và Aino Aalto (Modernism and the natural world the designs of alvar aalto and aino aalto - https://www.vam.ac.uk/articles/modernism-and-the-natural-world-the-designs-of-alvar-aalto-andaino-aalto) : “Thiết kế của ông (Alvar Aalto) cho Paimio Sanitorium - một bệnh viện cách ly cho bệnh nhân lao ở khu rừng phía đông Turku, tây nam Phần Lan - được coi là đỉnh cao của Chủ nghĩa Hiện đại Quốc tế, và là “một trong những tòa nhà ấn tượng nhất của thế kỷ 20” (theo Tập san Kiến trúc - Architectural Digest) Trong đó có ghế Paimio gỗ dán ép nhiều lớp (ảnh) “trở thành một trong những thiết kế thành công nhất của Aalto”. [Ghi chú: Architectural Digest là một tạp chí hàng tháng của Mỹ được thành lập vào năm 1920).

Paimio Armchair, designed by Alvar Aalto, manufactured by Huonekalu-ja Rakennustyötehdas Oy, 1930, Finland. Museum no. W.41-1987. © Victoria and Albert Museum, London

Thực ra ngay cả khi Alvar Aalto thiết kế những chiếc ghế có “hình dạng hữu cơ” là khái niệm của người viết bài gán cho ông, bản thân Alvar Aalto thừa nhận ông chịu ảnh hưởng bởi những chiếc ghế ống thép uốn của Marcel Breuer (Bauhaus): “Năm 1927, Aalto đã đặt hàng nhiều đồ nội thất bằng kim loại do Marcel Breuer thiết kế cho chính ngôi nhà của mình. Alvar Aalto nhanh chóng nhìn thấy những hạn chế của những chiếc ghế kim loại này: chúng dễ dàng truyền nhiệt và lạnh, bề mặt phản chiếu khắc nghiệt và không thoải mái. Năm sau, Aalto đã thiết kế chiếc ghế đúc hẫng đầu tiên của mình, được làm từ chân thép hình ống, nhưng có thêm ghế gỗ dán.”

Nếu coi đó là hình dáng hữu cơ có đặc trưng của phong cách hữu cơ về “hình thức trừu tượng tròn hoặc lượn sóng dựa trên cơ sở những gì người ta tìm thấy trong tự nhiên”, như khái niệm của phong cách nghệ thuật Trừu tượng hữu cơ thì như đã nói ở trên cũng khác với ý niệm Kiến trúc hữu cơ của Wright về mối quan hệ hữu cơ, là “sự hài hòa giữa nơi ở của con người và thế giới tự nhiên... các tòa nhà, đồ đạc và môi trường xung quanh trở thành một phần của một bố cục thống nhất, có liên quan với nhau”. 

Model B32 Cesca chair, Marcel Breuer, 1928, Germany. Museum no. W.10-1989. © Victoria and Albert Museum, London.

Về hai bài viết về Thiết kế hữu cơ hiện nay

Bài viết trên Designs.vn:Thiết kế hữu cơ – Organic Design: thiết kế, tự nhiên, nghệ thuật” không đề tên tác giả cũng không chú dẫn nguồn tư liệu, thấy nhiều hình ảnh minh họa cho là thiết kế mang đặc trưng phong cách hữu cơ organic design …Có lẽ là bài viết của một sinh viên nào đó và có lẽ không quan tâm nhiều tới tính khoa học và lịch sử nên rất dễ làm người đọc hiểu không thấu đáo về phong cách design mang tính nghệ thuật đang mode nhưng không dễ phổ biến và không dễ thể hiện.

Bài tiểu luận có tiêu đề “Điều tra về phong cách thiết kế hữu cơ” của hai tác giả Chi-H Simulator Chen, Pei-Yi Sung (Khoa thiết kế, Đại học Khoa học Kỹ thuật Vân Lâm - Đài Loan) có lẽ là một tiểu luận NCKH đề cập tới Phong cách hữu cơ khá bao quát với phạm vi nghiên cứu được mở rộng góc nhìn lịch sử và tiếp cận theo quan điểm organic design hiện đại thời nay thế kỷ XXI qua những tác phẩm và quan điểm của NTK Ross Lovegrove… dù có một số nhận định chưa thật chính xác, tuy vậy gần như bài tiểu luận cũng có cùng luận điểm như nghiên cứu của chúng tôi khi cho rằng kiến trúc hữu cơ bắt đầu từ F. Wright nhưng thiết kế hữu cơ thực sự chỉ nổi lên từ thập niên 1940 sau cuộc thi Organic Design in Home Furnishing và những thiết kế ghế của Alvar Aalto có hình dạng giống như là phong cách hữu cơ nếu nhìn trên khái niệm phong cách hữu cơ thời nay.

Bài “Điều tra về phong cách thiết kế hữu cơ” của hai tác giả Chi-H Simulator Chen, Pei-Yi Sung có Kết luận (nguyên văn dịch):

“V. Kết luận

Kết luận của nghiên cứu này có thể được chia, theo mục đích nghiên cứu, thành hai hướng tương ứng: thứ nhất, thông qua việc thu thập và phân tích các tài liệu tham khảo và tài liệu tham khảo, có thể biết rằng sự phát triển lịch sử của phong cách thiết kế hữu cơ được chia thành một số giai đoạn quan trọng, như sau:

(1) Vào cuối thế kỷ 19: Kiến trúc sư người Mỹ Wright là kiến ​​trúc sư đầu tiên đưa ra khái niệm "tòa nhà hữu cơ" và xem xét các thiết kế hữu cơ nên cùng tồn tại chặt chẽ với cuộc sống tự nhiên.

(2) Năm 1930: Thiết kế hữu cơ ban đầu chỉ xuất hiện trong thiết kế kiến ​​trúc, chưa từng thâm nhập vào thiết kế sản phẩm hàng ngày của Alvar Aalto, vì vậy vật phẩm để sử dụng hàng ngày bắt đầu xuất hiện trong một hình dạng có vần điệu và hợp lý hơn.

(3) Năm 1945: Từ năm 1940, Hoa Kỳ đã dần trở thành một trong những quốc gia vĩ đại nhất về thiết kế, bao gồm Charles Eames, Eero Saarinen và Harry Bertoia, v.v., thiết kế của họ đã giành được rất nhiều giải thưởng, với sự trợ giúp của khoa học và công nghệ, trong các cuộc thi thiết kế, nó mang lại cho thiết kế hữu cơ một cảm giác hợp lý hơn.

(4) Năm 1960: Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây ra sự thiếu hụt trầm trọng về vật liệu, do đó, chủ nghĩa hậu công nghiệp đã nổi lên sau khi mọi người phải chịu đựng cuộc sống nghèo khổ và vất vả, do đó, phong cách thiết kế hữu cơ nhấn mạnh vào thiết kế hình dạng đã bắt đầu biến mất hoàn toàn vào năm 1960.

(5) Từ năm 1990 đến hôm nay: Năm 1990, thị trường dồi dào đã làm cho cung lớn hơn cầu. Sau đó, phong cách 'thiết kế hữu cơ' đã xuất hiện trở lại trong xã hội giàu có, và sự tiến bộ của công nghệ, về mặt kỹ thuật mới và vật liệu mới, đã thúc đẩy tốc độ phát triển lan rộng của nó.”

Như vậy có thể thấy:

- Hai tác giả kết luận: “(2) Năm 1930: Thiết kế hữu cơ ban đầu chỉ xuất hiện trong thiết kế kiến ​​trúc, chưa từng thâm nhập vào thiết kế sản phẩm hàng ngày của Alvar Aalto, vì vậy vật phẩm để sử dụng hàng ngày bắt đầu xuất hiện trong một hình dạng có vần điệu và hợp lý hơn”. Nghĩa là hai tác giả thừa nhận thiết kế hữu cơ sản phẩm trong thập niên 1930 với những kiểu ghế của Alvar Aalto tiêu biểu như ghế bành Paimio cùng kiến trúc bệnh viện lao Paimio Sanitorium chỉ là kiểu ghế theo phong cách Chủ nghĩa Hiện đại Quốc tế chịu ảnh hưởng kiểu ghế ống thép của Marcel Breuer (Bauhaus) thực chất là phong cách Chức năng chủ nghĩa Functionalism thịnh hành đương thời được Alvar Aalto cải biên thay thế ống thép bằng gỗ dán uốn ép cho phù hợp môi trường giá lạnh nơi rừng núi Phần Lan được xây dựng bệnh viện ở đó, để “hình dạng có vần điệu và hợp lý hơn”.

- Đáng tiếc là hai tác giả không đánh giá hết ý nghĩa cuộc thi Organic Design in Home Furnishing năm 1940 chính là cột mốc để Hoa Kỳ vươn lên trở thành một cường quốc design nhất là trong lĩnh vực sản phẩm nội thất (furniture) và đồ gia dụng nội trợ thoát khỏi chủ nghĩa chức năng khô cứng bởi hình khối hình học, mang lại hình ảnh không gian sống động của nội thất nhà ở, một hướng đi chủ đạo của design công nghiệp giữa thế kỷ XX, nhờ đó sau Thế chiến 2, Hoa Kỳ, đất nước nằm ngoài chiến tranh thế giới, trở thành một quốc gia có “Lối sống Mỹ” (The American way of life), là “Giấc mộng Hoa Kỳ” (The American Dream) trong cái nhìn của phần còn lại thế giới.

Chính từ nhận thức lại giá trị của hình thức trong chức năng của design qua cuộc thi Organic Design in Home Furnishing năm 1940 này mà mặc dù chưa đủ trình độ công nghệ uốn ép 3D mà kiểu ghế hữu cơ thắng giải cuộc thi phải làm thủ công và chưa thể sản xuất hàng loạt mà phải sau đó hàng thập kỷ, và may mắn thay sau giai đoạn bùng nổ design của chính những năm tháng xuất hiện văn hóa và nghệ thuật đại chúng (pop culture & pop art) từ thập niên 1960, qua thế chiến 2 đã hơn 15 năm, phương Tây đã phục hồi một cách kỳ diệu nền kinh tế, thiết kế theo xu hướng cực đoan, cấp tiến (radical design) tiếp nối pop artpop design thiết kế hữu cơ phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ.

Quan niệm design là nghệ thuật ở phương Tây và Mỹ nhấn mạnh vào thiết kế hình dạng cho ra đời những sản phẩm/tác phẩm “phong cách hữu cơ” nổi tiếng như sofa Đôi môi hay Ghế bành Bàn tay, Ghế bành Mẫu tử, mắc áo Cactus (Cây xương rồng)... Ở đây có lẽ “phong cách hữu cơ” chỉ là ý tưởng, bởi những thiết kế này thường được xếp vào loại phong cách “Thiết kế cấp tiến, thiết kế cực đoan” nghệ thuật, vay mượn hình thức tự nhiên và cơ thể con người. Cũng như thời Nghệ thuật mới art nouveau cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 kiểu dáng thiên về thế giới thiên nhiên uốn lượn, bay bổng đã xuất hiện,… ghế gỗ uốn của M. Thonet, ghế con sên của Bugatti, Casa Milà của A. Gaudi,… nhưng chưa ai gọi nó là hữu cơ như ngày nay.

 

Một số thiết kế Radical thời pop 1960-70, khởi đầu cho xu hướng Hậu hiện đại trong thập niên 1980.

- Vì vậy mà hai tác giả Chi-H Simulator Chen, Pei-Yi Sung có lẽ đã mơ hồ trong nhận định: “(4) Năm 1960: Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây ra sự thiếu hụt trầm trọng về vật liệu, do đó, chủ nghĩa hậu công nghiệp đã nổi lên sau khi mọi người phải chịu đựng cuộc sống nghèo khổ và vất vả, do đó, phong cách thiết kế hữu cơ nhấn mạnh vào thiết kế hình dạng đã bắt đầu biến mất hoàn toàn vào năm 1960”.

Thay cho lời kết

NTK Ross Lovegrove là một trong những NTK nổi bật thời nay đã có bài nói chuyện tuyệt hay về thiết kế hữu cơ trên TED (có thể xem trên http://artmedia.edu.vn/video/organic-design--inspired-by-nature/WIZ9ZWOB.html) hoặc (https://www.ted.com/talks/ross_lovegrove_organic_design_inspired_by_nature?language=en#t-1039674). Ông vẫn đang miệt mài sáng tạo theo hướng organic design của mình và không biết tới điểm dừng vì thiên nhiên và con người là khuôn mẫu vô biên cho sự sáng tạo nhất là trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm.

Ở bài viết này chúng tôi không bàn đến hướng thứ hai của kết luận nghiên cứu mà hai tác giả Taiwan đã đưa ra nhận định về thành tựu, đóng góp cho organic design của NTK Ross Lovegrove, từ đó “đã học được từ Ross” ngôn ngữ thiết kế hữu cơ như một phong cách kiểu dáng trong thiết kế:

Hai tác giả “học được” “Đặc điểm khái niệm định hình” có tính điêu khắc hóa sản phẩm: “hình dạng tinh giản giống như điêu khắc và chuyển động sức sống giật gân trong thiết kế của mình, bằng cách sử dụng các yếu tố khác nhau trực tiếp từ Mẹ thiên nhiên và thay đổi khí hữu cơ, để phù hợp với sự thật bản chất của cuộc sống con người”.

 Hai tác giả “học được” “Các đặc điểm của cảm giác thị giác của màu sắc” “được chia thành ba loại, đen bạc và trắng, tất cả đều có màu đất sáng, bằng cách sử dụng các yếu tố khác nhau trực tiếp từ Mẹ thiên nhiên và thay đổi khí hữu cơ, để phù hợp với sự thật bản chất của cuộc sống con người. Các tác phẩm của ông đặc biệt chú ý đến trạng thái cân bằng và đối xứng đồng thời, trong khi theo đuổi phong cách tự do của thiết kế hữu cơ, thể hiện một cách tinh tế cảm giác thực tế ảo trong tác phẩm của ông một cách tài tình”… Phải chăng đây là màu sắc đặc trưng của “organic style”?

Hai tác giả “học được” “Đặc tính vật liệu” như họ tự nhận trong Kết luận: “Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện ra rằng không có vật liệu cơ bản nào giống nhau trong các tác phẩm của mình, bởi vì Ross Lovegroves đã chú trọng nhiều vào trạng thái thiết kế hữu cơ luôn thay đổi. Với sự giúp đỡ của công nghệ hiện đại, Ross Lovegroves liên tục đổi mới về vật liệu, và đã phát triển thiết kế hữu cơ theo phong cách của mình”.

Và thực sự qua danh mục TLTK của hai tác giả Taiwan mới thấy tài liệu hay công trình viết về Organic Design rất hiếm thậm chí chưa có, vì chưa tác giả nào dám tổng kết nó như một phong cách với những đặc trưng xác định và đã giới hạn.

Những nhận định của http://www.industrial-design-germany.com/design/organic-design.html dưới đây có lẽ khá đủ ý:

Thiết kế hữu cơ (Organic Design) là một phong cách thiết kế sản phẩm lấy điểm khởi đầu là các dạng tự nhiên, chảy tự nhiên.

Đường nhấp nhô, đường cong động và hình vòm mạnh mẽ tương phản với phong cách hình học, chức năng như được thể hiện bởi chủ nghĩa chức năng. Khát vọng hướng tới thiết kế hữu cơ có thể được nhìn thấy hết lần này đến lần khác trong quá trình phát triển thiết kế sản phẩm hiện đại: Chiếc xe tay ga Vespa năm 1946 của Piaggio có khung gầm hình vòm được sắp xếp hợp lý. Được thiết kế vào năm 1950, chiếc ghế bành bằng sợi thủy tinh Dax của Charles Eames có ghế ngồi được tạo hình hữu cơ. Vào những năm 1970, đồ nội thất bằng nhựa được thiết kế hữu cơ nở rộ.

Từ năm 2000, thiết kế xe hơi được đặc trưng bởi một xu hướng mạnh mẽ đối với các hình thức chảy (ví dụ, Mini Cooper được thiết kế lại). Các thiết kế của các nhà thiết kế sản phẩm như Ron Arad, Luigi Colani, Massimo Iosa Ghini, Ross Lovegrove và Philippe Starck bị ảnh hưởng rõ ràng bởi thiết kế hữu cơ”.

Để tóm tắt thay cho lời kết và dưới góc nhìn lịch sử bám sát yếu tố lịch đại và quan điểm tiếp biến khái niệm có thể thấy:

Thiết kế hữu cơ là một xu hướng không mới vì nó đã xuất hiện trong ý tưởng, quan niệm và cách thể hiện từ lâu, có thể ví dụ từ kiến trúc nội thất hữu cơ kiểu Rococo thế kỷ 18, ghế gỗ uốn hơi nước của Michael Thonet từ nửa cuối thế kỷ 19, kiến trúc, nội thất, đồ nội thất kiểu Art Nouveau cuối tk19 đầu tk 20, đồ nội thất uốn lượn, gỗ ép dán nhiều lớp định hình cong lượn của Alvar Aalto trong thập niên 1930, tương tự các loại ghế gỗ uốn của Le Cobursier cùng thời … nhưng khái niệm thiết kế hữu cơ được coi như khởi đầu bởi KTS Mỹ Frank Lloyd Wright khi ông phát biểu về thiết kế kiến trúc, hình thành khái niệm kiến trúc hữu cơ là “sự hài hòa giữa nơi ở của con người và thế giới tự nhiên... các tòa nhà, đồ đạc và môi trường xung quanh trở thành một phần của một bố cục thống nhất, có liên quan với nhau”.

Thiết kế hữu cơ (sản phẩm) chỉ có thể lấy mốc từ cuộc thi Thiết kế hữu cơ Organic Design in Home Furnishing từ 1940, cùng chung quan điểm hay triết lý thiết kế hữu cơ trong kiến trúc nên có đặc trưng hình dáng được xác định bởi “mối quan hệ hài hòa giữa các yếu tố riêng biệt liên quan đến cấu trúc, vật liệu, và mục đích sử dụng.” Những đường cong ôm sát hình thể con người trải dài từ lưng tựa cho tới mặt ngồi lõm xuống tạo nên tư thế ngồi thoải mái khi đọc sách đã mang lại giải thưởng cho chiếc “Ghế hữu cơ” như tên gọi vinh danh nó như khởi đầu của Phong cách hữu cơ có “hình thức trừu tượng tròn hoặc lượn sóng dựa trên cơ sở những gì người ta tìm thấy trong tự nhiên”.

Thiết kế hữu cơ sản phẩm và Kiến trúc hữu cơ ngày nay đã thay đổi về khái niệm khá rõ nét, nhất là trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm. Thiết kế hữu cơ không chỉ còn thuần túy tạo hình thức “tròn hoặc lượn sóng dựa trên cơ sở những gì người ta tìm thấy trong tự nhiên” của thập niên 1940 mà như bài nói của Ross Lovegrove như một phong cách hữu cơ, thiết kế hữu cơ thế kỷ 21 đã đi sâu khám phá những cấu trúc và chất liệu tự nhiên của thế giới hữu cơ, thế giới chất lỏng không chỉ nước, thế giới loài động và thực vật, thế giới loài người, những chất liệu sinh học mới như ông gọi là biopolycarbonate hay biopolymers… Như chính ông thừa nhận ông song hành chứ không cạnh tranh cùng các KTS và các NTK khác như Zaha Hadid bởi quy mô hoành tráng của kiến trúc kiểu cong lượn hữu cơ của bà thường được gọi là phong cách Kiến trúc Giải tỏa kết cấu Deconstructivism Architecture hay Philippe Starck nổi tiếng bởi những thiết kế sản phẩm hữu cơ vì con người, kiểu thiết kế phỏng sinh Bio-design như tác phẩm cái vắt nước chanh Con nhện.

Ross Lovegrove vẫn tiếp tục tìm tòi và tin rằng công nghệ cùng AI sẽ là xu hướng của design tương lai lại một lần nữa thay thế các thế hệ sản phẩm cũ bằng những sản phẩm thông minh và có hình dáng cùng chất liệu ngày càng tự nhiên hơn, như môi trường thiên nhiên chứ không khô cứng khoa học hình học chủ nghĩa.

Từ kiến trúc hữu cơ cùng Nghệ thuật trừu tượng hữu cơ như một xu thế hướng tới nghệ thuật hiện đại trong nửa đầu thế kỷ 20 đến nửa sau thế kỷ 20 thực sự thiết kế hữu cơ như một kiểu cách mới là đóng góp quan trọng của design Mỹ khi tổ chức cuộc thi Thiết kế hữu cơ tìm kiếm kiểu cách mới (styling) thay thế kiểu dáng hợp lý dòng chảy (streamlining) hấp dẫn tiêu dùng trong thập niên 1930 để thực hiện công thức Thiết kế Tiếp thị (Design Marketing = styling + advertising industry). Trong bộ môn Lịch sử Design để phân biệt với Lịch sử Kiến trúc và bám sát cách tiếp cận lịch sử thiết kế qua phong cách, trường phái và trào lưu nghệ thuật thiết kế xác định cột mốc xuất hiện phong cách hữu cơ trong thiết kế sản phẩm là cuộc thi nói trên năm 1940.

Phong cách Hữu cơ trong design đến nay như chính Ross Lovegrove thừa nhận còn đang tiếp tục đam mê tìm tòi và chưa có nhiều thành tựu nên có lẽ vì thế mà trang Từ điển mã nguồn mở uy tín Wikipedia chưa thể lập mục từ, và có lẽ phong cách chưa thành chính thống cũng bởi giá thành tác phẩm không hề rẻ. Một cái cầu thang xoắn ốc trong nội thất studio của ông lên giá tới 250.000USD, dư sức mua một siêu xe hay chiếc ghế Go nổi tiếng của chính ông thiết kế năm 1997 giá cũng khoảng 1.000-1.500 USD một cái...là những phiên bản bằng chất liệu polymer còn prototype của Go chair làm bằng ma-giê tiêu tốn tới 1,7 triệu USD. Thực sự Organic Style chỉ quay trở lại khi Design được thừa nhận là loại hình nghệ thuật thời Hậu hiện đại từ thập niên 1980 mà có lẽ từ đây phong cách thiên về tạo hình và lấn sân điêu khắc này mới phục hưng và sẽ tiếp tục là xu hướng thiết kế sản phẩm trong thế kỷ 21 unlimited./.

Bàn thêm: Thực ra Thiết kế Con người mới là đỉnh của Thiết kế Hữu cơ trong thế kỷ 21 với nghĩa đen Con người là sản phẩm của thiết kế đích thực chứ không chỉ được tạo hóa sinh ra theo lối tự nhiên...

                                                                                                            06062020. TVB

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.  Lê Huy Văn, Lê Quốc Vũ, Trần Văn Bình, Lịch sử Design , Nxb Mỹ thuật, 2019.

2.  Amy Dempsey, The essential encyclopedic guide to modern art: Styles, Schools & Movements. (Hướng dẫn Bách khoa toàn thư nghệ thuật hiện đại: Phong cách, Trường phái và các Trào lưu), Nxb Thames & Hudson, 2002.

3. Wikipedia:

http://design-cu.jp/iasdr2013/papers/1865-1b.pdf  (Bài nghiên cứu của hai tác giả đến từ Khoa thiết kế (Đại học Khoa học Kỹ thuật Vân Lâm - Đài Loan)

https://www.vitra.com/en-us/magazine/details/the-organic-chair (Bài viết của Bảo tàng Vitra về Organic Chairs của Eames and Saarinen)

https://assets.moma.org/documents/moma_catalogue_1803_300190105.pdf  (Tài liệu về cuộc thi thiết kế đồ gỗ Hữu cơ năm 1940 của MoMa)  

https://www.vam.ac.uk/articles/modernism-and-the-natural-world-the-designs-of-alvar-aalto-andaino-aalto.(Bài viết trên website của Bảo tàng V&A nói về những thiết kế của Alvar Aalto)

https://www.vam.ac.uk/articles/take-a-seat-a-story-of-modernism-in-three-chairs (Như trên)

https://www.ted.com/talks/ross_lovegrove_organic_design_inspired_by_nature?language=en#t-10396745 (Bài nói chuyện trên Ted của Ross Lovegrove về Organic Design)

https://en.wikipedia.org/wiki/Organic_architecture  (Kiến trúc hữu cơ)

https://en.wikipedia.org/wiki/Organic_abstraction  (Trừu tượng hữu cơ)

https://en.wikipedia.org/wiki/Alvar_Aalto  (Alvar Aalto)

http://www.industrial-design-germany.com/design/organic-design.html (Thiết kế hữu cơ)


Tác giả: Trần Văn Bình


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: