amedia

KHU PHỐ HONGDAE, THỦ ĐÔ SEOUL

20-08-2020 17:16:19


NĂNG LƯỢNG TUỔI TRẺ, NHIÊN LIỆU CỦA LÒ NUNG VĂN HÓA Ở KHU PHỐ HONGDAE, THỦ ĐÔ SEOUL

Kang Young-min (Nghệ sĩ Pop Art). Nguyễn Ngọc Trâm Oanh dịch

Thông thường khu Hongdae (trước Đại học Hongik) nói đến toàn bộ khu vực hành chính Seogyo-dong. Cho đến giữa thập niên 1980, Hongdae chỉ bao gồm khu vực trước cổng chính Đại học Hongik và “Con đường Picasso” nơi tập trung các cửa hàng vật liệu mỹ thuật. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 90, khu vực này dần được mở rộng và hiện nay bao gồm toàn bộ khu vực Seogyo-dong và cả Sangsu-dong, Hapjung-dong, Donggyo-dong, Yeonnam-dong, Mangwon-dong… Trong khi các không gian văn hoá khác của Seoul như Daehangno, Insa-dong, Garosugil… ngày càng mờ nhạt theo thời gian, khu vực Hongdae phát triển đều đặn trong 20 năm qua. Điều gì đã khiến cho Hongdae trở thành con đường văn hoá lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng như vậy?

 

Đặc trưng nổi bật của văn hóa khu Hongdae thời kỳ này là không có sự tách biệt giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.Hongdae giống như một loại lò nung văn hóa, trong đó, họ hòa nhập và chuyển hóa lẫn nhau.Nơi đây, các quán cà phê với những sắc thái riêng, độc đáo dần dần mọc lên và các không gian văn hoá mới cũng dần nảy sinh như một dạng kiểu mẫu của Hongdae.

Hongdae vươn lên trở thành trung tâm văn hoá nghệ thuật tiêu biểu của Seoul và của cả Hàn Quốc là nhờ vào vai trò rất lớn của sinh viên trường Mỹ thuật thuộc Đại học Hongik. Từ khi trường Mỹ thuật được thành lập tại Đại học Hongik vào năm 1961, hình dáng sinh viên ngành nghệ thuật đi lại trên phố trong bộ quần áo làm việc loang lổ màu vẽ hay lấm lem đất sét đã trở thành biểu tượng cho không khí nghệ thuật độc đáo của riêng khu Hongdae. Đa số các sinh viên này không quan tâm đến chuyện tìm việc sau khi tốt nghiệp mà họ lưu lại khu vực xung quanh trường và mở studio cho riêng mình.

Trong thời kì đó, khu vực này chủ yếu là những nhà dân thường san sát nhau và các nghệ sĩ nghèo thuê lại khu vực đậu xe hoặc phòng tầng hầm của những ngôi nhà này để cải tạo thành studio. Nghệ sĩ từ các lĩnh vực khác nhau tập trung tại đây uống rượu, trao đổi ý tưởng về các khuynh hướng nghệ thuật mới, và “văn hóa studio” của riêng Hongdae đã hình thành một cách tự nhiên như vậy. Sau đó, văn hóa này lại được tiếp nối với các không gian mở như quán cà phê, câu lạc bộ và Hongdae nhanh chóng trở thành một “khu phố thú vị”.

 

Quán cà phê và Câu lạc bộ, Vườn ươm văn hóa Hongdae

Khu Hongdae thực sự đơm hoa từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Khoảng năm 1988, khi Thế vận hội Olympics Seoul được tổ chức và du lịch nước ngoài được tự do hóa, nếu khu phố Apgujeong ở phía Nam Seoul trở thành trung tâm văn hoá tiêu dùng xa xỉ của giới nhà giàu từng du học nước ngoài về với tên gọi “Bộ tộc cam(orange tribe)”thì Hongdae trở thành trung tâm của giới nghệ sĩ với khả năng cảm thụ nghệ thuật hoàn toàn mới, theo đuổi nghệ thuật thử nghiệm đương đại. Ví dụ điển hình là “Triển lãm nghệ thuật đường phố” lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 10 năm 1993. Đây là sự kiện được tổ chức bởi Hội sinh viên của trường Mỹ thuật Đại học Hongik, được lên kế hoạch như một sự kiện văn hoá chống lại văn hoá hưởng lạc của “Bộ tộc cam” đang bắt đầu xâm nhập khu vực Hongdae.

Văn hóa Hongdae bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi các nghệ sĩ trẻ tạo nên không gian độc đáo mang màu sắc mới cho riêng mình như “Electronic Café”, “Oloolo” , “Baljeonso” (Nhà máy điện) , và Gompangi (Nấm mốc)… Những buổi triển lãm, công diễn, biểu diễn kinh phí thấp nhưng mang tính tiên phong và đầy khiêu khích đã ra đời trong những không gian đó.Có thể nói những hình ảnh độc đáo và những không gian đặc trưng cho Hongdae ngày nay được hình thành trong khoảng thời kì này.Các quán cà phê và câu lạc bộ đã đóng vai trò Vườn ươm cho văn hoá Hongdae hôm nay.

Một trong những địa điểm nổi bật nhất là “Electronic Café”, ra đời vào năm 1988 bởi nhà thiết kế đồ họa Ahn Sang-soo và nhà điêu khắc Gum Nu-ri. Đây là quán cà phê Internet đầu tiên của Hàn Quốc, một trong những chất xúc tác để hình thành nên văn hóa Hongdae và cũng là khởi nguyên của văn hoá câu lạc bộ truyền thông máy tính ở Hàn Quốc. Đặc biệt, “Dự án Nghệ thuật truyền thông” tổ chức vào tháng 9 năm 1990, nối liền Seoul và Los Angeles, có lẽ là một trong những dự án đầu tiên trên thế giới đã mang khái niệm mạng máy tính đến đại chúng. Lúc đó, trong tin nhắn trò chuyện trực tuyến của mình, Ahn Sang-soo đã từng đề cập đến văn hoá đầy sáng tạo và phóng khoáng của Hongdae.

 

Đối - văn hoá và Âm nhạc đại chúng

Tự do hóa trong chính trị Hàn Quốc đạt được qua cuộc đấu tranh dân chủ tháng 6 năm 1987, nối tiếp là sự ra đời của chính phủ dân sự vào những năm 1990 tạo điều kiện cho văn hóa Hongdae nở hoa. Trong thời kì này, văn hóa Hongdae dần dần chuyển đổi từ lĩnh vực mỹ thuật sang âm nhạc. Trong khi nhạc pop của cả Hàn Quốc và nước ngoài chiếm lĩnh sân khấu âm nhạc chính thống thì các câu lạc bộ và quán cà phê ở Hongdae lại thịnh hành các thể loại nhạc alternative rock, punk, reggae, và electronic… và đã dần trở thành nơi tụ tập của giới trẻ tầm 20 tuổi, vốn tiếp xúc nhiều với văn hoá ngoại quốc. Có thể nói rằng phần đông những người trẻ tuổi không hài lòng với nền văn hóa thống lĩnh mang tính khuôn mẫu và cứng nhắc đều tụ tập về nơi này.

Nếu nền văn hóa trẻ của thập niên 1980 được đánh dấu bằng phong trào chống lại chế độ độc tài quân sự, thì thập niên 1990 được thay thế bằng phong trào đối-văn hoá (counter-culture). Trong đó, giới trẻ Hàn Quốc tóc nhuộm đỏ hoặc vàng, mỏm tóc dựng đứng và dây xích ở thắt lưng, miệng hô vang “Câm miệng”.Bằng cách đó, họ đã phản kháng lại nền văn hoá và dòng nhạc chính một cách mạnh mẽ, tạo ra Nghệ thuật Tiên phong (Avant-garde Art) và Nghệ thuật Thử nghiệm(Experimental Art) và cáccâu lạc bộ khu vực Hongdae trở thành không gian giải phóng văn hóa cho giới trẻ Hàn Quốc.

Điều vô cùng thú vị là ở câu lạc bộ Hongdae, ranh giới phân biệt giữa người sản xuất và người tiêu dùng trở nên mờ nhạt và trong nhiều trường hợp, khách hàng của ngày hôm qua trở thành nghệ sĩ của ngày hôm nay. Ở khu vực Hongdae, những người trẻ từng khao khát thể hiện cá tính của mình có thể gặp những người bạn cùng cảm thụ nghệ thuật, và tạo ra điều gì đó mới mẻ cho riêng họ. Ban đầu là cùng nghe nhạc ở câu lạc bộ, sau đó họ tụ tập, kết hợp thành nhóm nhạc punk hay alternative, hoặc trở thành DJ cho câu lạc bộ.Bản thân tôi cũng từng ra mắt các tác phẩm video nghệ thuật của mình khi hoạt động VJ-ing tại “Café Underground”.

Đặc trưng nổi bật của văn hóa khu Hongdae thời kỳ này là không có sự tách biệt giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.Hongdae giống như một loại lò nung văn hóa, trong đó, họ hòa nhập và chuyển hóa lẫn nhau.Nơi đây các quán cà phê với những sắc thái riêng, độc đáo dần dần mọc lên và các không gian văn hoá mới cũng dần dần nảy sinh như một dạng kiểu mẫu của Hongdae.

Từ tiểu văn hoá (Sub-culture) đến văn hoá mở (Open culture)

Bước vào thập niên 2000, văn hóa Hongdae ngày càng phát triển sôi động.Một ví dụ điển hình là chợ flea market được tổ chức ở sân chơi trước cổng chính Đại học Hongik vào năm 2002, năm World Cup được tổ chức. Flea market mang đặc tính của một phiên chợ nghệ thuật với sự tham gia của người dân thường làm nghệ thuật nên cho dù không phải là nghệ sĩ chính hiệu thì bất kỳ ai cũng có thể mang ra bán tác phẩm nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ của mình. Đây không chỉ đơn thuần là nơi để mua bán hàng hoá mà nó được đánh giá là một “hội chợ văn hóa” xoá bỏ ranh giới giữa đời thường và nghệ thuật, nghệ sĩ và quần chúng, đề xuất phương án thay thế cho văn hoá sản xuất và tiêu dùng cũ. Ngoài ra, một trong những phát triển đáng chú ý nhất là sự chuyển đổi từ một Hongdae chủ yếu hoạt động về đêm sang cả hoạt động ban ngày. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho người dân thành phố dễ dàng dạo bước đến Hongdae.

Từ giữa những năm 2000, khu vực Hongdae lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp ngay cả vào ban ngày. Có thể đó là do sự xuất hiện của văn hoá bữa sáng muộn (brunch) và nơi đây hình thành nên con phố rộng lớn đầy ắp quán cà phê. Giống như nghệ thuật Avant-garde ngày càng trở nên quen thuộc với đại chúng dần theo thời gian, giờ đây văn hoá khu Hongdae đã vượt qua lĩnh vực mỹ thuật và âm nhạc, tiến đến văn hoá tiêu thụ trong ẩm thực, thời trang, mua sắm… Khi các blogger khám phá và đăng tin tức về các quán ngon và “địa điểm hot” thì sau đó người ta tìm đến khám phá theo. Tuy nhiên, với sức sống mạnh mẽ và cội rễ vững chắc, giá trị của văn hoá Hongdae không bị suy giảm do xu thế “thương mại hoá” gần đây. Chỉ đơn giản là Hongdae đang trải qua một thay đổi khác, hay nói cách khác, văn hóa Hongdae đang chuyển từ tiểu văn hóa thành nền văn hóa rộng mở và phổ biến hơn.

Kang Young-min (Nghệ sĩ Pop Art)

Nguyễn Ngọc Trâm Oanh dịch


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: