MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG THẨM MỸ TRONG NGHỆ THUẬT THIẾT KẾ
01-10-2022 16:41:16
1. Thẩm mỹ và thẩm mỹ công nghiệp
Từ Thẩm mỹ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp αἰσθητικός (aisthetikos), có nghĩa là “thẩm mỹ, nhạy cảm, cảm tính, liên quan đến nhận thức cảm giác”. Triết học đề cập đến bản chất của vẻ đẹp và thị hiếu, cũng như triết học về nghệ thuật gọi là Mỹ học, hay Thẩm mỹ học. Cảm nhận được vẻ đẹp đã manh nha từ những tác phẩm nghệ thuật khởi thủy thời đồ đá nhưng mỹ học hay thẩm mỹ học chỉ ra đời khi khái niệm nghệ thuật đã được định nghĩa và có các nhà lý luận phê bình nghệ thuật, những chủ thể đánh giá và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. [8]
“Nhận thức cảm giác”, cảm tính chủ quan lệ thuộc khá nhiều vào ngữ cảnh, điều kiện và tố chất bản thân của người thụ cảm thẩm mỹ, “vẻ đẹp trong mắt của kẻ si tình”, mặc dù vẻ đẹp là một đặc điểm khách quan, hiển thị công khai” …chính vì thế thẩm mỹ là một khái niệm khó có thậm chí có thể nói không thể có một công thức xác định và duy nhất.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Anh quốc (The Encyclopædia Britannica), Mỹ học (Aesthetics), cũng đọc là Esthetics, hay thẩm mỹ học, là triết học nghiên cứu về vẻ đẹp và thị hiếu. Nó liên quan chặt chẽ đến triết lý nghệ thuật, bản chất của nghệ thuật và các khái niệm mà các tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ được giải thích và đánh giá. [9]
Mỹ học có phạm vi rộng hơn triết học nghệ thuật, đề cập đến bản chất và giá trị của nghệ thuật và đề cập đến những phản ứng đối với các đối tượng tự nhiên được thể hiện bằng ngôn ngữ của cái đẹp và cái xấu, các thuật ngữ dường như quá mơ hồ trong ứng dụng của chúng và quá chủ quan trong ý nghĩa của chúng.
Bàn về mối quan hệ giữa hình thức và nội dung (Relationship between form and content), Hegel cho rằng nội dung không thể tách rời hình thức và hình thức đến lượt nó không thể tách rời nội dung. Vì thế lập luận cho rằng cần phải phân biệt hình thức với nội dung là mâu thuẫn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật có “hình thức” hay “diện mạo” thể hiện tính riêng tư nhất thể của nó. Khi tách biệt hình thức ra khỏi nội dung hay ngược lại và bàn luận về tính thẩm mỹ của nó là đã xóa bỏ tính nhất thể, tính riêng tư của nó. Khi đánh mất tính riêng tư cá thể của nó, nội dung mất đi tính hiện thực thẩm mỹ của nó, biến thành một thứ khác không còn là nguyên tác.
Nhà phê bình văn học người Mỹ Cleanth Brooks từng cho rằng ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật (đặc biệt là thơ ca) có thể được diễn giải chỉ bằng chính hình thức cấu trúc của nó. Ý nghĩa một bài thơ được gắn kết với cách bố cục cụ thể của các từ - âm thanh, nhịp điệu và cách sắp xếp của chúng - nói ngắn gọn, với “hiện thân cảm giác” (“sensory embodiment”) do chính bài thơ cung cấp. Thay đổi cấu trúc bố cục từ ngữ đó là tạo ra một bài thơ khác (và do đó có nghĩa khác) hoặc một cái gì đó hoàn toàn không phải là một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản, và do đó hoàn toàn thiếu ý nghĩa mà các tác phẩm nghệ thuật được đánh giá. Do đó, không một bài thơ nào có thể dịch được. [9]
Hình thức (Form) biểu hiện và biểu đạt là một phần nội dung của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, nó không chỉ là nội dung được người thụ cảm chú ý hiểu (hoặc hiểu sai). Ngoài ra còn có hình thức, bằng thuật ngữ mà chúng ta có thể biểu thị tất cả các đặc điểm đó của một tác phẩm nghệ thuật mà nó tạo nên tính thống nhất và tính riêng tư của nó như một đối tượng của trải nghiệm giác quan.
Clive Bell, (1881-1964), nhà phê bình nghệ thuật người Anh gắn liền với chủ nghĩa hình thức (formalism), đã phát triển lý thuyết nghệ thuật được gọi là Hình thức hàm nghĩa (Significant form) và cho rằng hình thức là bản chất của nghệ thuật và hình thức đó phải được hiểu và do đó có thể hiểu được (tức là có ý nghĩa). Theo đó đặc điểm phân biệt của nghệ thuật là hình thức. Việc nghiên cứu hình thức phải liên quan đến việc nghiên cứu nhận thức của chúng ta về hình thức.
Rudolf Arnheim (1904-2007), nhà lý thuyết nghệ thuật và điện ảnh người Đức, đồng thời là nhà tâm lý học tri giác, trong tác phẩm Nghệ thuật và Nhận thức Thị giác (Art and Visual Perception, 1974), Arnheim cố gắng dùng khoa học để hiểu rõ hơn về nghệ thuật và nhấn mạnh về “Hình dáng tốt” (“Good Gestalt”) là có hiệu quả, nhưng hình thức và nội dung là không thể phân chia nên không thể khẳng định “Gestalt tốt” đã bao quát toàn bộ chủ đề vô cùng phức tạp của hình thức tác phẩm nghệ thuật.
Vậy thì tác phẩm nghệ thuật là gì, và mối quan hệ của nó với các đối tượng mà nó được thể hiện ra sao? Những câu hỏi này đã được thảo luận bởi Richard Wollheim (1923-2003), nhà triết học người Anh, trong Nghệ thuật và những đối tượng của nó (Art and Its Objects, 1968), một trong những văn bản có ảnh hưởng nhất TkXX về mỹ học triết học. Wollheim lập luận rằng các tác phẩm nghệ thuật là “loại/kiểu” (type) và hiện thân của chúng là “mã thông báo hay dấu hiệu” (tokens). Nelson Goodman, triết gia Mỹ, trong Ngôn ngữ của nghệ thuật (Languages of Art, 1968, 1976), một trong những tác phẩm quan trọng nhất của mỹ học TkXX theo truyền thống phân tích, phát triển lý thuyết ký hiệu học của ông về một hệ thống ký hiệu để thông diễn sự khó hiểu của nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật. [9]
Thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật biểu đạt qua các ký hiệu và luôn là vấn đề được ưu tiên đặt ra để xem xét giá trị của nó. Vậy thẩm mỹ của những sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực MTƯD thể hiện ở những dấu hiệu hay tín ký hiệu nào? Khi mà sản phẩm thường được tạo ra từ nhu cầu vật chất của con người và được phân loại về mức độ thông dụng thành ba nhóm liên quan tới mức độ kỹ thuật để từ đó định mức thẩm mỹ bên cạnh công năng vật lý của chúng, điều phân biệt với tác phẩm nghệ thuật tạo hình, và để một sản phẩm công nghiệp ngày nay được coi như một tác phẩm nghệ thuật hòng áp dụng những lý thuyết thẩm mỹ học hay ký hiệu học để phán đoán trải nghiệm thẩm mỹ đối với chúng vẫn luôn là vấn đề được tranh luận, không chỉ ở Việt Nam, lý luận mỹ học cho lĩnh vực nghệ thuật thiết kế còn hạn chế, phải tới giữa TkXX mới có thêm khái niệm thẩm mỹ công nghiệp để luận bàn, xem xét vẻ đẹp hay thẩm mỹ sản phẩm.
Ký hiệu hay dấu hiệu thẩm mỹ như vậy rất đa dạng và được trải nghiệm ở thế giới đồ vật, sản phẩm thông qua “ngoại hình” hay “diện mạo” của chúng với những đặc trưng bởi những hình thức hết sức đa dạng. Đó là những hình thức đã trở nên quen thuộc và mặc định bởi bản sắc văn hóa trở thành thẩm mỹ có tính truyền thống, phản chiếu qua lối sống ở môi trường có những chất liệu thiên nhiên thân thuộc và những và thiết chế xã hội trải dài trong lịch sử dân tộc đã định hình như phong cách dân gian truyền thống. Đó cũng có thể là hình thức nhận dạng được bởi đặc trưng công nghệ chế tác thủ công hay công nghiệp, thậm chí đặc trưng bởi triết lý nghệ thuật đã đúc kết qua quá trình sáng tạo thế giới kiến trúc và đồ vật. Là những phong cách có tính lịch sử của một thời kỳ đã qua định hình như một phong cách thời đại hay chỉ là phong cách nghệ thuật được mặc định bởi cá nhân hay nhóm nghệ sĩ một giai đoạn ngắn nào đó, đặc biệt trong thời hiện đại TkXX khi khái niệm nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ có những đổi thay căn bản.
Người ta chỉ nói đẹp khi trong họ cảm thấy hài lòng vui sướng thích thú. Như kiến trúc sư Vitruvius thời La Mã cổ đại đã đưa vào trong tiêu chí của thiết kế kiến trúc: “Bền vững, Tiện lợi, Đẹp/Thích thú”. Đối với những đồ vật được coi là đẹp sẽ làm người ta luôn muốn có ở bên mình hoặc gặp lại, trở lại với chúng. Ta nói đẹp tức là khi chúng ta nhìn thấy hoặc được biết về cái đẹp ấy. Một vật tiện dụng có khi không được đẹp, một vật đẹp (hay được coi là đẹp) có khi lại không tiện dụng. Hoàn mĩ tức là đã đẹp lại tiện dụng. Tuy nhiên khi phải lựa chọn giữa hai thứ thì để đáp ứng nhu cầu vật chất người ta chọn lấy đồ vật tiện dụng, mặc dù như thế chưa làm thỏa mãn con người bởi nhu cầu thị mĩ chưa trọn vẹn.
Mỗi một sản phẩm hữu dụng khi được thiết kế tự thân không nói lên lý tưởng hay tinh thần cao siêu nào như một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ là kết quả hiện thực của ý đồ trước đó. Ý tưởng tác động của sản phẩm ở chỗ nó đại diện cho đương đại, là sản phẩm của thời đại và với chất lượng và giá trị của mình nó minh họa lại xã hội, nền kinh tế và đời sống văn hóa.
Những yếu tố thẩm mỹ của kiến trúc và đồ vật thông dụng từ ngàn xưa đã gắn liền với hình thức có tính trang trí của thế giới vật chất và vô cùng đa dạng, phong phú thể loại ở những vùng địa-văn hóa khác nhau trên thế giới. Chúng cũng là tiền đề để hình thành các loại hình nghệ thuật/mỹ thuật, cả nghệ thuật tạo hình (fine art) cho tới nghệ thuật công năng (functional art) khi được tách bạch về loại hình cũng từ thời Phục hưng, điều mà mỹ thuật phương Đông không quá coi trọng, bởi quan niệm hiển nhiên về sự gắn bó khó tách rời của mỹ thuật trang trí trong MTƯD là dòng chảy liên tục, không đổi, có chăng là sự tiếp nhận và biến hóa, chấp nhận thêm những loại hình mỹ thuật/nghệ thuật hiện đại vào đời sống văn hóa đã phát triển dòng mỹ thuật truyền thống lâu đời riêng biệt của mỗi dân tộc.
Thời hiện đại sản phẩm công nghiệp hàng loạt ra đời không chỉ do ý chí c