amedia

Paul Bennett (công ty IDEO) và vấn đề thiết kế cho trải nghiệm cuối đời của con người

04-07-2016 08:02:54


 

interview with IDEO's paul bennett on designing for the end-of-life experience

Paul Bennett (công ty IDEO) và vấn đề thiết kế cho trải nghiệm cuối đời của con người

Tất cả hình ảnh do IDEO cung cấp

 

Paul Bennett là trưởng phòng sáng tạo của công ty IDEO. Không chỉ song hành cùng khách hàng và đồng nghiệp trong việc phát triển những sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm tập trung vào con người và có tầm quan trọng xã hội, Bennett còn xây dựng mảng hoạt động toàn cầu lớn nhất của IDEO – thiết kế trải nghiệm cho người tiêu dùng – điều hành văn phòng của nó ở San Francisco, thiết lập chi nhánh cho nó ở New York, và làm nên sự lớn mạnh của toàn danh nghiệp tại Châu Âu. Bennett thực hiện vai trò lãnh đạo sáng tạo của mình trên một phạm vi mở rộng, thông qua hoạt động du lịch, học hỏi và làm việc trên khắp thế giới.

Gần đây, Bennett còn tích cực đi đầu trong việc xây dựng ý tưởng cho một thách thức mở của IDEO của IDEO, chú trọng vào một đề tài lý thú mà thường bị bỏ qua, đó là: làm thế nào để hình dung ra trải nghiệm cuối đời cho chính bản thân chúng ta và cho những người ta yêu quý? Kêu gọi cộng đồng quốc tế góp tay hành động, thách thức“Cuối-đời”(the ‘end-of-life’ challenge) tìm kiếm những phương hướng giúp cho quy trình này chú trọng hơn vào con người, những giải pháp giúp con người có thể chuẩn bị cho hồi kết chuyện đời mình, sống qua nó cũng như chia sẻ lại nó.

Designboom đã có một cuộc chuyện trò với Paul Bennett về cơ duyên đã đưa anh đến với IDEO, mối quan hệ cá nhân giữa anh với trải nghiệm “cuối đời”, và những đối thoại mà anh hy vọng Thách Thức Mở của IDEO sẽ khơi ra.

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

Designboom: Ông có thể chia sẻ, cơ duyên nào đã đưa anh đến làm việc tại IDEO?

Paul Bennett: Đó là 15 năm trước, khi tôi vừa rời khỏi doanh nghiệp cố vấn thương hiệu của chính mình ở New York và đang kiếm tìm con đường kế tiếp. Nói hoàn toàn thực lòng thì tôi có phần nào chán chường với thế giới thương hiệu và sự lệ thuộc của nó vào những khái niệm thời thượng, biệt ngữ và khuôn khổ. Tôi muốn quay trở lại với việc làm ra mọi thứ bằng chính đôi bàn tay của mình. Bấy giờ tôi đang đọc một bài trên tờ tạp chí thiết kế mới mà nhiếp ảnh gia Jim, cộng sự của tôi, đã góp một câu chuyện vào đó, và tôi bắt gặp bài viết về một nơi gọi là IDEO.

Bài viết kể rằng công ty này đang mở rộng ra khỏi phạm vi thế giới thiết kế sản phẩm, và CEO mới của họ, tên là Tim Brown, trình bày về cách nhìn nhận của ông về cách thức họ sẽ làm điều đó. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến IDEO hay Tim Brown, nhưng bài báo nói rằng Tim trông giống Russell Crowe (diễn viên Hollywood nổi tiếng với nhiều vai diễn hành động – ND), khiến tôi lấy làm hứng thú. Tôi viết thư cho ông: “Những gì các ông đang làm nghe thật là hay. Tôi có thể đến gặp ông được không? Tuần sau tôi đến gặp Tim, chúng tôi trò chuyện hơn ba tiếng đồng hồ, tức là lâu hơn dự định ban đầu đến hai tiếng, và tôi biết đây là nơi mình muốn làm việc cho. Tôi vào việc bốn tuần sau đó, tại Palo Alto. Tim đã công khai nói rằng việc lựa chọn tôi là quyết định bốc đồng nhất mà ông từng làm. Nhưng rồi mười lăm năm đã qua, tôi vẫn ở đây, và tôi mong rằng IDEO và tôi đã thay đổi lẫn nhau vì mục đích tốt đẹp hơn.

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

DB: Ông đã đến với thế giới thiết kế như thế nào?

PB: Khi còn bé tôi lúc nào cũng chế tạo ra thứ này thứ kia. Tôi là một thằng bé lăng xăng, nhút nhát, khéo tay, lớn lên ở miền đông bắc nước Anh. Cha tôi mua cho tôi một tờ tạp chí thủ công tên là Golden Hands Encyclopedia of Crafts (tạm dịch: Bách khoa Toàn thư Thủ công Bàn Tay Vàng), đầy những đồ án nghệ thuật từ thập niên 70 – đan, macramé (kỹ thuật tạo ra những tấm vải bằng cách thắt nút sợi vải vào nhau thay vì đan hay dệt - ND) và tie-dye (một kỹ thuật nhuộm vải trong đó vải được gấp, xoắn, bện hay vò nhàu rồi cột dây lại trước khi nhuộm, để tạo ra những mảng hoa văn biến hoá theo nếp vải gấp, xoắn – ND) – mà tôi đã háo hức mày mò làm theo. Tôi vẫn còn giữ cả mớ đồ án đó, chúng khá là vui. Mãi cho đến khi bước vào tuổi thiếu niên tôi mới nhận ra rằng người ta có thể sống được bằng việc làm ra “những món đồ nghệ thuật”, thế là tôi chăm chỉ học hành, kiếm điểm cao, vào trường nghệ thuật, và cuối cùng trở thành nhà thiết kế đồ hoạ. Nhưng chính ý niệm chế tác mới gắn chặt với tôi suốt những năm qua. Tôi vẫn còn hay làm thủ công, đó là một phần cốt lõi của con người tôi.

DB: Xin ông mô tả vai trò và nhiệm vụ của mình với tư cách trưởng phòng sáng tạo tại IDEO?

PB: Chắc chắn yêu cầu của vị trí ấy không phải là sáng tạo hơn mọi người: thực sự thì tôi chưa bao giờ thôi ngỡ ngàng thán phục trước những gì mọi người ở đây có thể làm cả. Tôi nghĩ nó bao gồm hai điểm: trước hết, nó là một vai trò mang tính khai phá – tôi tìm kiếm những thứ, những nơi chốn, những khách hàng và địa hạt mới mà chúng tôi có thể tiếp cận. Tôi không ngừng tìm kiếm, du hành và khám phá thế giới, để xem thiết kế có thể làm nên sự khác biệt ở đâu. Thứ hai, vai trò này có phần như công việc huấn luyện: đào luyện và hy vọng là truyền cảm hứng cho những nhà thiết kế của chúng tôi tiếp bước trên hành trình ấy cùng tôi. Tôi không thực sự cần phải kiểm soát chất lượng hay thanh tra những gì mọi người làm. Mà đúng hơn là phải làm gương tốt và đem lại cho mọi người nhiều sức bật nhất có thể.

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

DB: Theo ông thì trải nghiệm cuối đời ngày nay có những vấn đề như thế nào tồn tại?

PB: Câu hỏi khó đấy. Rõ ràng đó là một hệ sinh thái phức hợp bao hàm các khía cạnh văn hoá, y học và xã hội, trong đó nhiều, rất nhiều người tử tế làm những gì mà họ cảm thấy là đúng. Tôi hoàn toàn thừa nhận là mình có phần ngây thơ ở đây, nhưng khả năng nhìn thấy được cơ hội trong những hoàn cảnh tăm tối là một phẩm chất tiêu chuẩn của nghề thiết kế theo ý tôi. Chúng tôi là những kẻ lạc quan không mệt mỏi. Nói thật, gần đây có người hỏi tôi rằng điều gì đã biến tôi thành “chuyên gia về cái chết”, và câu trả lời tôi thốt ra là sự thực: “Cái chết của cha tôi.” Về bình diện đó, tất cả chúng ta đều là chuyên gia. Cha tôi, người mang ý nghĩa hơn mọi thứ trên đời với tôi và là người cho tôi khởi điểm sáng tạo trong đời, bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối. Nhìn cha vật lộn để bảo toàn phẩm giá của mình suốt cuộc chiến khủng khiếp ấy, nhìn mẹ đương đầu với nó, và cảm thấy bản thân mình vừa cách biệt khỏi nó lại vừa có liên hệ với nó – tất cả những điều ấy đều khó khăn. Từng đối thoại, từng quyết định và can thiệp đều nặng nề vì chúng tôi chẳng có ngữ cảnh gì cho chúng, chẳng có cách nào định phương hướng, chẳng có kim chỉ nang, sách luật, công cụ hay tiền lệ nào. Tôi còn nhớ mình đã chẳng biết làm sao để tìm được một nấm mộ đẹp cho cha, hay phải làm gì tại tang lễ của người. Chúng tôi vật vã khi nói về điều đó, cho đến khi mọi việc đã gần như quá trễ, nhưng chính cú điện thoại cuối cùng của tôi với cha, khi người biết mình sắp chết, đã ngân lên trong tôi một cơ hội. Bấy giờ khi cha biết cái chết đang đến, tôi ở California và người ở Anh Quốc. Tôi bảo cha tôi đang chuẩn bị lên máy bay, và người nói: “Đừng. Cha không muốn con thấy cha thế này.” Sự công nhận, chấp nhận và thông hiểu ấy hiện hữu trên khắp thế giới, và bằng cách nào đó việc cha tôi nhìn nhận nó đã cho phép tôi nhìn cái chết như một cơ hội thiết kế. Một cơ hội lớn lao cho chúng ta – khi nhớ đến con người cần chú trọng nhất, là người thân trong gia đình chúng ta, người bạn của chúng ta, hay chính mình – thay đổi cách mình nói về, hoạch định, tiến vào và sau cùng rời khỏi cuộc đời mình cũng như ở lại trong cuộc đời của những người còn sống. Đó là một cơ hội thiết kế khổng lồ.

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

DB: Vì sao công ty quyết định đưa chủ đề này vào cộng đồng openIDEO quốc tế?

PB: Có thể nói là chính chủ đề này tự quyết định việc nó được lựa chọn. IDEO có một lối tiếp cận tương lai lý thú, mang tính “vận mệnh hiển lộ”: nếu chúng tôi tin vào điều gì một cách nồng nhiệt, chúng tôi lớn tiếng bày tỏ ra, nhưng chúng tôi cho phép người khác tác động và bồi đắp lên ý tưởng của mình, rồi xem hướng đi nào phù hợp. Tôi chắc chắn chưa bao giờ tự nhận là mình có một “câu trả lời” cho hồi kết của cuộc đời, nhưng tôi cảm thấy đó là một câu hỏi lý thú – liệu chúng ta, với tư cách những nhà thiết kế, có thể tạo ra thay đổi ở đây, và có thể “thiết kế” lại cái chết hay chăng? Chủ đề này cũng như mối quan tâm của chúng tôi dành cho nó đã được nói đến trên một tạp chí, và cả thế giới cùng hồi đáp. Tôi không phóng đại đâu, tôi chưa từng thấy một sự phản hồi như vậy dành cho một câu hỏi – hàng trăm người đã liên hệ tôi, tất cả đều muốn kể tôi nghe chuyện họ, trải nghiệm của họ, nhằm chia sẻ, chuyện trò và giúp đỡ. Nhiều người có ý tưởng về những thứ có thể chuyển dịch các khía cạnh khác nhau của hệ thống, như cái cách mà người ta đã vận dụng để tạo ra những giải pháp thay thế. Đó là một phần cốt lõi của quy trình chúng tôi sử dụng: công nhận rằng luôn có cơ hội khi mọi người đều tạo ra giải pháp riêng của mình cho một vấn đề. Chúng tôi đã muốn đưa chủ đề này đến openIDEO khá lâu rồi, nhằm lôi cuốn càng nhiều người càng tốt vào quy trình thiết kế giải pháp. Chúng tôi đã tìm kiếm các cộng sự thích hợp, những người luôn sẵn sàng và đủ can đảm để không chỉ có thể góp vốn mà còn thực sự thực thi được ý tưởng. Điều trọng yếu là chúng tôi có thể đưa cuộc đối thoại này ra khỏi bản vẽ, cho vào đời thực. Rồi chúng tôi tìm thấy hai khách hàng tuyệt vời là Sutter Health và Helix Centre.

DB: Ý tưởng đã được các nhà thiết kế và những người đóng góp đón nhận thế nào cho tới nay?

PB: Quả thực, khá là đáng kinh ngạc – mà chúng tôi chỉ mới ở phần khởi điểm của thách thức. Chúng tôi hy vọng nhiều người nữa sẽ tham gia. Có cả một nguồn suối ý tưởng ngoài kia, từ giản đơn đến hệ thống. Những nền văn hoá khác nhau nhìn cái chết rất khác nhau, điều đó hẳn là đã rõ. Ở Châu Âu hay Hoa Kỳ chẳng hạn, cái chết là sự lụi tàn – nơi mành trướng khép lại và đèn nến lu mờ, có thể nói như vậy. Trong khi đó ở Châu Á, cái chết được chấp nhận, tôn vinh, và thậm chí trong một số trường hợp, được coi như niềm vui. Một đề tài có vẻ mang ý nghĩa cộng hưởng ở đây là tìm cách làm cho cái chết “bình thường” hơn, không còn là khoảng trống rỗng kinh hoàng mà chúng ta e sợ cả đời, mà là một phần tự nhiên của cuộc sống, một phần mà chúng ta chấp nhận và hoạch định hướng về thay vì né tránh và chạy trốn. Một chủ đề khác mà nhiều người quan tâm là làm cho trẻ nhỏ thoải mái hơn với cái chết, không bao bọc chúng hay che giấu chúng về nó, để chúng nhìn nó như một phần tự nhiên của cuộc đời, không phải cái gì mà chúng sẽ hãi sợ khi lớn lên.

Có điều thú vị là nhiều người đã tỏ ý biết ơn. Đã có nhiều lời “cám ơn” gửi đến không chỉ chúng tôi vì đã tổ chức thách thức này mà còn cho các cá nhân đã chia sẻ câu chuyện của riêng mình qua nó. Tôi nghĩ nó thật độc đáo vì trong hầu hết các thách thức openIDEO, chúng tôi đều tìm giải pháp cho nhu cầu của một nhóm người nhất định. Với thách thức End of Life, chúng tôi đang tìm giải pháp cho chính mình và những người thân yêu. Vì chủ đề này, cộng đồng chúng tôi đang hình dung ra những giải pháp mà họ có thể đã bỏ qua. Khi chúng tôi hỏi cộng đồng openIDEO, “Những nhu cầu của người mà anh đang thiết kế cho là gì?” họ có thể viện đến những suy nghiệm của riêng mình. Chưa bao giờ có nhiều câu chuyện riêng tư được chia sẻ đến thế. Thường thì chúng tôi gặp nhiều bài báo nghiên cứu trong các công đoạn tìm ý tưởng của mình, nhưng tràn ra từ chủ đề này lại là những sẻ chia cá nhân rất chân thật. Tôi lấy làm mừng là câu chuyện của mình đã gợi cảm hứng cho người khác kể chuyện họ.

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

DB: Ông hy vọng thách thức “End-of-life” sẽ cho ra những giải pháp nào; ông hy vọng nó sẽ khơi mào những đối thoại ra sao?

PB: Chúng tôi đã bắt đầu thấy được bảy đề tài lớn hội tụ lại từ vòng cảm hứng đầu tiên. Tôi mong muốn những ai đang đọc bài phỏng vấn này sẽ tham gia vào cuộc đối thoại này với chúng tôi, bồi đắp cho những ý tưởng, cụ thể hoá và khả thi hoá chúng. Đến nay chúng tôi có:

Sự kết nối – với bạn bè, gia đình, thiên nhiên và những thứ khác nữa – là một phần cấp yếu của cuộc sống. Sự kết nối có thể mang ý nghĩa thế nào trong những giờ phút cuối cùng của chúng ta? Những mối nối kết hiện hữu nào mà chúng ta sẽ muốn đào sâu và nuôi dưỡng? Những mối nối kết bất ngờ nào sẽ trở nên can hệ về sau? Đổi lại, những mối nối kết nào chúng ta sẽ muốn buông bỏ trong những giờ khắc cuối cùng của đời mình?

Những giá trị mới – những nghi thức, thủ tục và giá trị văn hoá nền tảng của cuộc sống chúng ta. Chúng thường được truyền từ đời này sang đời khác. Những giá trị này đang đổi thay hay tiến hoá ra sao, dưới ảnh hưởng của thế hệ trẻ và những góc nhìn độc đáo, bẩm sinh của thời đại kỹ thuật số của họ về cái chết? Nền văn hoá về cái chết sẽ tiến hoá thế nào trong thế hệ kế tiếp?

Bối cảnh quanh ta – dù cái chết xảy ra tại nhà, hay phổ biến hơn là ở bệnh viện, chúng ta đều muốn biết về tác động mà những trải nghiệm vật lý và cảm quan, vật chất và đồ vật có thể mang lại cho hồi kết đời mình. Chúng ta có thể xây dựng trải nghiệm cảm quan mới cho bệnh nhân qua những phương tiện nào – tiếp xúc, mùi vị, thanh âm, hình ảnh? Làm sao chúng ta có thể bồi đắp cho trải nghiệm lúc lâm chung bằng bối cảnh vật lý bao quanh nó, để tỏ lòng trân trọng

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

Hoạch định bây giờ - nỗi sợ hãi hay tuyệt vọng người ta mang lúc sắp ra đi còn chồng chất thêm bởi nỗi sợ rằng cái chết của chúng ta sẽ thành gánh nặng cho những người ta yêu quý. Nếu chúng ta may mắn có thể hoạch định cho những giờ phút cuối cùng của mình, thì chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng tốt hơn đến đâu? Phạm vi cơ hội này bao hàm cả khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên cần thiết cho việc hoạch định. Ta phải làm sao để tạo điều kiện cho mọi người thuộc mọi tầng lớp kinh tế - xã hội có thể hoạch định theo một cách thức có ý nghĩa?

Dịch vụ và sự chăm sóc – trải nghiệm cuối đời là một phần của một hệ sinh thái phức hợp bao gồm các khía cạnh xã hội, y học và văn hoá. Hệ sinh thái này rất cần được hỗ trợ bởi các dịch vụ y tế và xã hội, cũng như cần những chính sách và hoạt động đào tạo thích hợp với tầm quan trọng của những giờ khắc cuối cùng này. Những hỗ trợ và dịch vụ nền tảng này đóng vai trò hết sức thiết yếu trong trải nghiệm về cái chết của chúng ta và những người ta yêu quý.

Kinh phí cuối đời – chúng ta làm hết sức mình trong việc hoạch định tài chính cho những điều quan trọng trong đời: đám cưới, giáo dục, nhà ở - làm sao để đưa trải nghiệm cuối đời vào phương trình tài chính này? Sau đây là một vài con số thống kê nhanh cho bạn hình dung bối cảnh: 25% người cao tuổi cạn kiệt tài sản trong năm năm cuối đời vì chi phí chăm sóc cao cấp. Con số đó vọt lên 41% nếu bạn không xét đến chi phí nhà ở. Một người chăm sóc trên 50 tuổi sẽ mất 300 ngàn đô la lương bổng trong thời gian chăm sóc sức khoẻ cho người thân. Khía cạnh tài chính của hồi kết cuộc đời chưa được bàn đến nhiều, nhưng lại đóng vai trò thiết yếu đối với những thống khổ và di sản của người ra đi. Chúng ta được nhớ đến qua những câu chuyện mà chúng ta để lại cho người sống – chúng ta là ai, chúng ta đã sống và đã yêu thế nào – và qua những gì chúng ta truyền lại cho thế hệ sau.

Sau cái chết – sau khi đã ra đi, chúng ta vẫn tiếp tục có tác động lên cuộc sống mọi người – chúng ta không tồn tại trong sự cô lập. Ta sẽ ghi nhớ những người đã mất thế nào, hợp nhất ký ức về họ vào cuộc đời ta ra sao? Người đó tiếp tục nối kết với cộng đồng thế nào? Với nhiều người, di sản chúng ta để lại bắt rễ vào truyền thống và sự hồi tưởng - làm thế nào chúng ta hợp nhất điều đó vào cách thức mà người ta sẽ nhớ về chúng ta và những người ta yêu thương?

Khi đọc qua những điều này, tôi chưa từng nghĩ mình có thể nói được như vậy về cái chết, nhưng quả thực nó là một chủ đề có ý nghĩa khẳng định sự sống vô cùng. Tôi mong sao cha mình đang ở đâu đó dõi theo tôi.

 

interview ideo paul bennett end of life challenge

 

DB: Ông hình dung thiết kế sẽ đi về đâu trong 5 đến 10 năm tới, nói chung?
PB:
Tôi muốn thiết kế phải thật táo bạo. Đi vào những không gian gai góc và tìm kiếm ánh sáng: cái chết, bệnh thần kinh, sự nghèo đói, sự bất bình đẳng, giáo dục, chính phủ, quốc tịch, ngành chăm sóc sức khoẻ, ẩm thực. Tôi không muốn đơn thuần thay đổi cách đối thoại, mà còn muốn làm cho kết quả thu được vừa đẹp đẽ, vừa ý nghĩa. Tôi nghĩ chúng ta đang ở trên con đường hướng về điều đó, và tôi muốn thấy thiết kế thực sự làm nên chuyện trước một cơ hội, một thử thách. Chúng tôi hẳn nhiên đều chứng kiến trong nghề nghiệp của mình những bằng chứng cho thấy phương pháp làm việc lấy ảnh hưởng làm động lực đã thay đổi cơ bản lớp khách hàng của mình, đồng thời thúc đẩy các nhà thiết kế của chúng tôi đi xa hơn và nhắm đến mục tiêu cao hơn.

DB: Lời khuyên hay nhất ông từng nhận được là gì?

PB: Lắng nghe nhiều hơn. Tôi nghĩ là tôi làm được điều đó.

 

Biên dịch: HC

Xem bài viết gốc tại đây.


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: