Thời trang bằng vải dệt sinh thái
10-12-2013 22:01:34
Designboom - Thời trang
Các sản phẩm của nhà thiết kế người Anh Suzanna Lee thuộc Biocouture vừa được trưng bày tại triển lãm Power of Making (tạm dịch: Quyền năng sáng tạo) của Hội đồng Mỹ nghệ tại bảo tàng Victoria à Albert ở London, Anh Quốc.
Áo khoác đi xe đạp sinh thái của Suzanne Lee
Tất cả hình ảnh do Suzanne Lee cung cấp
Sản phẩm eco-textile (vải dệt sinh thái) của Biocouture khai phá tiềm năng sản xuất vải dệt công nghiệp bằng phương thức nuôi cấy vi khuẩn sinh ra cellulose (chất xơ) trong dung môi trà đường.
Từ các sợi mỏng cellulose chọn lọc do vi khuẩn sinh ra trong quá trình lên men, các nghệ nhân có thể dệt nên vải vóc.
Chất men đóng vai trò ba-zơ cũng như nước trà xanh pha đường làm dung môi đều được sản xuất trong phòng thí nghiệm của Biocouture. Trước hết, Lee pha trà xanh với đường, hoà chúng với men và các chất vi sinh khác. Khi những vi sinh này bắt đầu phát triển trong dung môi trà xanh, một lớp sợi cellulose tinh xảo hình thành. Sau khi đã xác định các kích thước chuẩn, nhà thiết kế phơi khô nguyên liệu đã được đóng khuôn ba chiều hoặc được ép phẳng, cắt và khâu thành phục trang.
Áo khoác bằng vải denim sinh học
Với mẫu áo lót Scar (Sẹo), người nghệ sĩ muốn tạo ra một sản phẩm hao hao da người một cách kỳ dị.
“Vật liệu này có khả năng ép khuôn ba chiều khi còn ướt, nên chiếc áo lót này được tạo hình bằng cách phủ chất cellulose ướt trên một khối khuôn bằng gỗ mang hoa văn hình vỏ đậu khô. Phải mất một tuần tôi mới có thể lấy nó ra khỏi khuôn, sau đó đính nó lại bằng khoá kéo thông thường (vì không thể dùng vật liệu nào có khả năng phân huỷ thay thế). Hoa văn nứt nẻ nói trên lấy cảm hứng từ các kiểu dấu vết đa dạng của tộc người Phi Châu. Hình trái đậu giống với hình dạng của loài vi khuẩn sản sinh ra chất xơ.” – Suzanne Lee.
Áo lót Scar
Với triển lãm Power of Making, Lee giới thiệu một mô hình túi xách từng xuất hiện trong hồ sơ thiết kế của mình.
Với sản phẩm này, Lee đã thử nghiệm chất lượng và kết cấu của xơ vi khuẩn, với nỗ lực tạo nên một bề mặt sản phẩm tựa chất da thuộc.
Phần thân túi được ép khuôn trên một khuôn gỗ ba chiều với các đinh tán kim loại viền quanh – chi tiết này được bổ sung nhằm tạo hiệu ứng hằn vết và oxy hoá, tô điểm thêm cho sản phẩm một cách giản dị.
Chiếc túi cho thấy sự tinh tế của nghệ thuật thủ công đương đại trong việc kết hợp kỹ thuật hiện đại với những phương thức truyền thống.
Túi Tote-bag tại triển lãm Power of Making ở bảo tàng Victoria và Albert
Túi Tote-bag trong quá trình sản xuất, bên trái là chiếc khuôn gỗ trần và bên phải là phần thân sản phẩm, sau khi vật liệu được áp lên khung
Sản phẩm giữa lúc phơi khô, sau khi tay cầm đã được gắn vào thân túi
Tote-bagsau khi hoàn thành, đã được lấy khỏi khuôn