Tom Dixon - Kiệt tác tái sinh từ phế liệu
27-02-2017 23:17:35
Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, từ sự kết hợp của những kỹ thuật cơ bản, không qua trường lớp, những phế liệu bỏ đi và bộ óc sáng tạo không giới hạn, Tom Dixon thực sự khiến cả thế giới bất ngờ khi đem đến những kiệt tác nội thất tuyệt vời.
Nhà thiết kế nội thất người Anh Tom Dixon
TOM DIXON
1959
Sinh ra tại Tunisia trong một gia đình có cha là người Anh và mẹ mang 2 quốc tịch Pháp và Latvia. Ông chuyển đến Anh vào năm 1963. Ông từ bỏ cơ hội học tại Chelsea School of Art để trở thành một thành viên trong ban nhạc “Funkapolitan” trước khi tự học những kỹ thuật cơ bản về thiết kế nội thất. Tom nổi lên như một hiện tượng vào giữa những năm 80 như “một nhà thiết kế tài năng chưa qua đào tạo với một dòng nội thất sử dụng vật liệu tái chế hoặc phế thải công nghiệp”. Dù gặp phải nhiều trở ngại ban đầu do chưa từng học qua các trường đào tạo thiết kế bài bản, nhưng Tom Dixon không bỏ cuộc. Thay vì hạn chế sức sáng tạo bằng cách ép mình học những khuôn phép trong sách vở, Tom Dixon tự phát triển khả năng thiết kế thông qua các buổi thực nghiệm. Đó là chuỗi ngày gian nan nhất trong cuộc đời Tom Dixon khi ông liên tục phải mày mò sáng chế, phạm sai lầm, huỷ bỏ, điều chỉnh rồi bắt tay làm lại từ đầu ngay trong xưởng sản xuất. Ông cho phép bản thân phạm phải sai lầm trong thiết kế để từ đó ông học hỏi rất nhiều ở những sai lầm ấy.
Ông chưa từng học một trường lớp cơ bản nào về thiết kế nội thất
Cuối những năm 80, ông đầu quân cho “gã” nội thất khổng lồ nước Ý Cappellini- chủ nhân của chiếc ghế “S” do ông thiết kế đã đưa cả hai bước lên đỉnh vinh quang vào năm 1989. Vừa ra mắt, ghế S lập tức trở thành hiện tượng của phong cách tự do. Đến nay ghế S đã bước vào khu vực trưng bày biểu tượng vượt thời gian của bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York. Sau thành công của ghế S, Tom Dixon tiếp tục hợp tác với Cappellini để cho ra đời những tác phẩm thành công khác như chiếc ghế Bird Rocking, bộ sưu tập Pylon…
Đến năm 1990, Tom là một cái tên quá đỗi quen thuộc trong giới thiết kế. Ông thiết kế một chiếc ghế từ polipropylen đã trở thành biểu tượng của thập niên mang tên Jack có thể “ngồi, xếp chồng và điều chỉnh ánh sáng” cho công ty riêng của mình Eurolounge.
Tom được bổ nhiệm làm Trưởng phòng thiết kế tại Habitat vào năm 1998, nơi mà sau này ông trở thành giám đốc sáng tạo cho đến năm 2008. Ông là gương mặt quen thuộc của một đội chịu trách nhiệm “trẻ hóa” thương hiệu Habitat, duy trì giấc mơ làm giàu cuộc sống hàng ngày của Terence Conran thông qua những thiết kế đơn giản, hiện đại và tạo ra một trải nghiệm mua sắm thân thiện và ấn tượng cho khách hàng.
Năm 2000, những cống hiến của Tom đã được chính thức trao giải thưởng OBE tại British Design. Những sản phẩm của Tom đã được mua lại bởi một số bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới hiện nay như Victoria & Albert, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York và Tokyo và Trung tâm Beaubourg (Pompidou). Kể từ khi thành lập công ty thiết kế riêng vào năm 2002, công việc của Tom đã trở nên nổi bật hơn. Các thương hiệu của Tom Dixon tạo cho Tom một nền tảng nâng tầm các thiết kế mang tính biểu tượng như Mirror Ball, Copper Shade, Wingback và Beat. Công ty vượt ra khỏi khuôn khổ nước Anh với khách hàng ở 63 quốc gia khác nhau và có trụ sở ở Anh, Mỹ và Hong Kong.
Năm 2004, công ty của Tom hợp tác với một công ty tư nhân Thụy Điển và ông làm Giám đốc Sáng tạo. Các thương hiệu Tom Dixon gồm một công ty con thiết kế nội thất Interior Design subsidiary, một studio nghiên cứu Design Research Studio- thiết kế nhà cho Soho House Group và đại bản doanh của Joseph trên đường phố Old Bond, nhà hàng tại The Royal Academy, London, phòng khiêu vũ tại Tazmania, quầy bar hồ bơi trong các quận trung tâm của Hồng Kông, và nhà hàng mới của Jamie Oliver tại Barbecoa. Design Research Studio hợp tác với gã khổng lồ khách sạn Hoa Kỳ Morgan Hotel Group trong dự án khách sạn đầu tiên của mình. Đây là dự án hoàn thành vào cuối 2013. Design Research Studio được đề cử và chiến thắng ở các hạng mục bao gồm thiết kế của năm, (Bảo tàng Thiết kế London), thiết kế chiếu sáng tốt nhất (ICFF show), Best Accessory (Elle Decoration) và thiết kế của năm 2008 (Architektur & Tạp chí Wohnen).
Một bộ sưu tập đèn của Tom Dixon
Bộ sưu tập của Tom Dixon gồm Wingback, Void, Spot
Đến với ngành thiết kế muộn màng với hai bàn tay trắng, nhưng quyết tâm cao độ, cộng với niềm đam mê học hỏi đã giúp Tom Dixon trở thành tên tuổi gạo cội trong ngành. Báo chí ca ngợi những sáng tạo của ông trong công cuộc hồi sinh ngành nội thất Anh quốc, còn những nhà thiết kế lừng lẫy ưu ái gọi ông là "Vertebrate designer" (tạm dịch: nhà thiết kế xương sống) vì ông luôn có hứng thú với cấu trúc thiết kế ở bên trong hơn là lớp vỏ bên ngoài của sản phẩm. Ông từng hai lần ghé thăm Việt Nam, lần gần nhất vào năm 2011. Ông rất thích đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, đặc biệt là tranh ảnh, sơn mài và đồ gốm.
Cùng xem những bộ sưu tập thiết kế đèn và nội thất ấn tượng và tạo nên tên tuổi Tom Dixon
Chiếc đèn có cấu tạo hình học đa diện khiến người ta phải khâm phục bởi công nghệ chế tác tinh xảo. Khả năng ứng dụng máy móc kỹ thuật thuần tuý vào mục đích nghệ thuật của Tom Dixon thể hiện rõ ở khung đèn cứng cáp được đục chi chít những lỗ hổng một cách có chủ ý. Và đến khi thắp sáng, người ta sẽ nhận thấy chiếc đèn hoàn hảo đến mức không có lấy một chi tiết thừa.
Đèn chùm Etch được thiết kế phù hợp với mọi không gian
Kế thừa tinh hoa của Etch, Etch Web sang trọng và tinh tế hơn
Tiếp nối thành công của Etch, Tom Dixon tung ra Etch Web. Vẫn sử dụng chất liệu đồng, nhưng Etch Web được thiết kế như một món trang sức quý giá hình cầu với các chi tiết mảnh mai đầy quyến rũ. Mỗi khi được thắp sáng, chiếc đèn rực rỡ trong vầng hào quang ấm áp, in bóng hàng ngàn hoa văn hình khối trên tường và sàn nhà. Tom Dixon đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu dựa trên yếu tố vật lý, toán học trước khi sáng tạo những tuyệt tác như thế này.
Lustre gợi nhớ đến những sản phẩm thời cổ đại. Ẩn sau vẻ ngoài sơ khai như một mẫu vật thời kỳ đồ đá của Lustre là hàng loạt phát minh mới do Tom Dixon thực hiện. Đầu tiên là thuật tráng men kim loại. Theo lời Tom Dixon, sắc xà cừ óng ánh trên mỗi chiếc đèn được làm từ loại men bí mật có chứa các khoáng sản và kim loại quý. Sau đó, ông còn thực hiện một số thủ thuật biến đổi làm nổi bật hiệu ứng màu sắc trên thân Lustre gợi sự liên tưởng đến lông vũ sặc sỡ của một con công hay những vết dầu loang trên mặt nước.
Những chiếc đèn Lustre có kiểu dáng, màu sắc cổ điển
Lustre có bốn kiểu dáng: tròn, vuông, bẹt và hình chữ V. Đèn được làm hoàn toàn bằng tay và đều là "hàng độc nhất vô nhị". Sự biến đổi không thể đoán trước của nước men khiến cấp độ của màu sắc, độ bóng, phản quang… của Lustre hoàn toàn khác biệt đến mức không thể tìm thấy bất kỳ chiếc đèn nào
Đây là một trong số những bộ sưu tập đèn tâm đắc nhất của Tom Dixon. Đèn gồm kiểu dáng cơ bản và mini với ba màu: thép bóng, đồng đỏ và đồng thau. Đèn Void được xem là biểu tượng của phong cách sành điệu thượng lưu, nên thường được các bar rượu xa hoa sử dụng để khẳng định đẳng cấp riêng. Bộ sưu tập này được trưng bày tại Stockholm Funiture Fair từ 8- 11/2 vừa qua.
Void phù hợp với không gian những quán bar, tạo cảm giác sang trọng, thượng lưu
Bộ sưu tập đèn Mirror Ball được sáng tạo để đánh dấu sự kiện Tom Dixon thành lập công ty riêng vào năm 2002. Mô phỏng chiếc mũ độc đáo của các phi hành gia, chùm đèn được làm từ polycarbonate plastic mạ kim chân không để tạo ra bề mặt crôm sáng bóng, có khả năng phản chiếu và khuếch tán ánh sáng
Mirror Ball- kiểu đèn chùm độc đáo, cách tân
Không gì thích hợp để mở đầu sự nghiệp thiết kế nội thất của Tom Dixon hơn chiếc ghế S. Ít ai biết biểu tượng quyến rũ này được bện bằng các ống cao su tái chế trong lần đầu tiên ra mắt vào năm 1989.
Hàng loạt phiên bản mới nhất của ghế S đã được ra đời với nhiều chất liệu màu sắc khác nhau nhưng kiểu dáng tuyệt hảo, sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp trẻ trung của chiếc ghế vẫn vẹn nguyên trong lòng người hâm mộ qua nhiều thế hệ.
Chiếc ghế đưa tên tuổi của Tom Dixon gần hơn với mọi người
"S" tuy kiểu dáng không thay đổi quá nhiều nhưng họa tiết và cách trang trí
Mong muốn đem những hình ảnh về đất nước, văn hoá, truyền thống và con người vào các tác phẩm của mình, Tom Dixon đã đưa những biểu tượng thất truyền của Anh quốc vào một sứ mệnh hồi sinh mới, và chiếc ghế Fan là ví dụ cụ thể. Đem nguyên mẫu chiếc ghế Windsor cổ điển của Anh phối hợp với tạo hình của chiếc quạt xếp trên tay các quý cô vào thế kỷ 18, để tạo ra một chiếc ghế mang phong cách hiện đại. Có lẽ chỉ Tom Dixon mới dám nghĩ ra và làm được điều đó.
Những chiếc ghế Fan mang sứ mệnh hồi sinh biểu tượng đã thất truyền của Anh
Đây là một mẫu thiết kế theo phong cách Pop Art được Tom Dixon hoàn thành vào năm 1991 cho hãng Cappellini vào năm 1991. Đúng với tinh thần nổi loạn của Pop Art và tên gọi Bird, chiếc ghế có cấu trúc cong khác thường và sẽ trông như đầu của một con chim nếu được lật úp trở lại.
Ý tưởng độc đáo, kiểu dáng phi thường, ghế Bird thể hiện trí tưởng tượng không giới hạn và tinh thần vươn đến sự tự do trong thiết kế của Tom Dixon.
Thiết kế vô cùng đơn giản giống những con hạc giấy khổng lồ nhiều màu sắc
Đúng như tên gọi Pylon (có nghĩa là ngọn tháp), chiếc ghế của Tom Dixon có kết cấu đan xen cao ngất ngưởng. Được ghép bằng những thanh thép mỏng và hỗ trợ đắc lực bởi kỹ thuật hàn tinh vi, ghế có khả năng chịu lực lớn dù kiểu dáng cực kỳ mảnh mai. Tác phẩm vĩ đại này được sản xuất toàn bộ bằng tay và là thiết kế yêu thích của Tom Dixon cho hãng Cappellini vào năm 1992.
Có người nói Pylon là phiên bản nội thất của biểu tượng Effiel nước Pháp, người khác lại cho rằng trông chiếc ghế y hệt đường dây của một cột điện cao thế. Có rất nhiều nhận xét khác nhau xoay quanh chiếc ghế này, nhưng tất cả đều đồng ý rằng Pylon là một tác phẩm nội thất thú vị nhất mà họ từng thấy.
Pylon nhìn có vẻ mỏng manh nhưng vô cùng chắc chắn
Lấp lánh như thuỷ tinh, chiếc ghế Fresh Fat được uốn thủ công từ những cuộn nhựa plastic PETG bền bỉ. Chiếc ghế gợi nhớ đến danh hiệu của Tom Dixon: "nhà thiết kế xương sống", hay còn gọi là nhà thiết kế cấu trúc; bởi sản phẩm được kiến tạo bền vững từ trong cốt lõi với kỹ thuật đột phá và chất liệu đáng tin cậy.
Ông tận dụng những vật liệu "bất thường" trong thiết kế nội thất để tạo nên những điều kỳ diệu
Tiếp tục là một trong những thiết kế tôn vinh những tác phẩm thuộc thế kỷ 18 của Anh quốc. Mang bóng dáng của những chiếc ghế quý tộc, khung ghế Wingback được làm bằng gỗ bạch dương (loại gỗ truyền thống đặc trưng của nước Anh) và nệm ghế nhồi bông gòn tự nhiên.
Wingback xuất hiện với nhiều chất liệu khác nhau
Nổi tiếng với khả năng ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao nhưng Tom Dixon rất yêu thích các chất liệu tự nhiên, đặc biệt là các loại vật liệu mang màu sắc của địa phương và những đất nước ông đã đi qua. Ông đã sáng tạo nên những chiếc bàn chế tác từ đá cẩm thạch – một trong những vật liệu nguyên thuỷ nhất trên trái đất. Chiếc bàn Rock Table tuyệt đẹp mà bạn đang ngắm nhìn ở trên, được khai thác chọn lọc tại một rừng đá cẩm thạch nổi tiếng ở Ấn Độ. Để phù hợp với những hoa văn nguyên thuỷ của thiên nhiên, chiếc bàn được lắp ghép đơn thuần chỉ với các phiến đá.
Những chiếc bàn đá cẩm thạch có nguồn gốc vật liệu ở Ấn Độ
Tám năm sau ngày bộ sưu tập đèn biểu tượng Mirror Ball ra đời, những chiếc bàn Flash xuất hiện trên thị trường để hoàn thiện ý tưởng phát triển dòng sản phẩm nội thất phản quang của Tom Dixon. Mặt bàn là một tấm gương đồng láng bóng với chân bàn làm bằng thép mạ đồng thau, nhằm nhân đôi hiệu quả phản chiếu ánh sáng.
Những chiếc bàn Flash phản quang kế thừa từ đèn Mirror Ball
Dù luôn tìm kiếm sự cải tiến trong thiết kế, nhưng những tác phẩm của Tom Dixon lại lấy cảm hứng từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống hàng ngày. Ông đã táo bạo làm ra một loạt bàn có hình dáng y hệt những chiếc chảo trong nhà bếp. Để thực sự giống với những lòng chảo tráng men không dính, bề mặt bàn cũng được tráng một lớp men thuỷ tinh – một chất liệu khá mới không chỉ ở màu sắc khác biệt mà còn ở độ bền đáng kinh ngạc. Bàn chỉ có một chân duy nhất được thiết kế bằng chất liệu gang đúc thành hình tay cầm thanh mảnh nhưng chắc chắn.
Những chiếc bàn Spot có kiểu dáng lạ, mang dáng dấp chiếc chảo bếp với chân bàn giống chiếc lồng đèn