amedia

Làm thế nào để tập trung sáng tạo?

16-12-2013 23:16:06


Làm thế nào để tập trung sáng tạo?

 

Có đôi ba khoảnh khắc trong các buổi học, tôi biết rằng các bạn sv đang theo lớp Kỹ năng thiết kế 01 của blog này có phần mất tập trung khi làm việc với Mind map, và các kỹ thuật sáng tạo nhỏ. Cuối buổi học tuần rồi, tôi đề nghị họ viết ra một vài chủ đề mà họ quan tâm, để tôi có thể chia sẻ thêm. Bài viết (có tham khảo từ internet) này là một trong số 5 chủ đề đó:

alt 

 

 

Thay đổi nhịp tim là dấu hiệu rõ nhất của việc bạn mất tập trung. Điều này nhiều người không biết, vì họ đang mải… mất tập trung.

Có nhiều định nghĩa về sự sáng tạo.

Nghĩa là có phần hơi khó định nghĩa về khái niệm này.

Sáng tạo như tôi thích, là khả năng giải quyết vấn đề mới.

Chia sẻ điều này, bạn sẽ dễ đọc những phần còn lại của bài viết này:

1.

Cái chúng ta nghĩ ra thường mật thiết với cách chúng ta nghĩ ra. Ngược lại cũng thế. Ấy là sự linh hoạt nghĩ ngợi. Khả năng nhận thấy thế giới từ các góc độ khác nhau vì thế mới được thúc đẩy, và theo đó, cái mới được tác tạo, sinh thành.

Nhiều người biết, mà ít người nhớ rằng tế bào thần kinh ở não bộ là nơi duy nhất trên cơ thể người ta không tái tạo.

Hẳn bạn từng có chút bối rối hay bực bội trong vài lúc: mình gặp cậu này ở đâu rồi nhỉ? - ý này đã nghe nói rồi, mà không nhớ ra “ông” tác giả; con đường đấy tớ đi mãi đấy thôi, tự nhiên quên mất… Sự suy giảm nhận thức của não bộ khi trạc tuổi 30 đã bắt đầu thoảng hoặc như thế...

2.

Sự chú ý rất có giá trị. Nhất là với người làm thiết kế/ sáng tạo.

Có chú ý, chú tâm, thì mới quan sát, ghi nhận, lắng nghe, tiếp thu, dung nạp, lĩnh hội,… có hiệu quả. Có thế mới tiếp tục tổng hợp, phân tích, liên tưởng, tưởng tượng, xâu chuỗi, khái quát, ước lệ,… chặt chẽ và sáng tỏ. Để mà sáng tạo.

Tập trung chú ý đem lại giá trị cho sáng tạo. Chắc chắn là bạn biết điều này.

Khối lượng và chất lượng việc bạn nghĩ ra, làm được, thiết kế, hay sáng tác nên, là do nỗ lực của bạn, nhưng tất nhiên, chỉ với khả năng tập trung cao vào việc ấy.

Hành vi và thói quen chăm sóc thần kinh chưa tốt, khiến não bộ làm việc thiếu hiệu quả.

Rõ rệt nhất, là khó khăn trong việc tập trung để suy nghĩ, suy nghĩ cho tập trung.

Các đoạn dưới đây dành cho ai lưu tâm đến:

 

 

alt

 

 

 

 3.

Các nhà tâm lý học cho rằng, ngay cả khi người ta cố gắng tập trung vào một nhiệm vụ, họ cũng có xu hướng mất tập trung sau 40 phút, và việc mất tập trung ít nhất là 10 phút.

Hãy kiểm lại xem bạn thường giống ý nào trong việc bị mất tập trung thể hiện dưới đây:

Tham việc - ham làm nhiều, nên làm đan xen. Buông việc này và bập vào việc kia luôn mất một khoảng thời giờ. Hoặc lúc gặp việc khó hơn, hay chỉ cần không quen thuộc bằng, là ngại khó, ngại nghĩ, và bắt đầu lan man. Nhiều khi ko gọi tên được hẳn hoi việc gì mình muốn.

Chán nản. Bấy giờ mọi thứ còn lại của thế giới, luôn hấp dẫn hơn việc bạn đang ngồi làm.

Phiền muộn. Lo lắng về tiền bạc, sự dang dở, ưu phiền vương vấn điều gì đó, luôn làm gián đoạn việc bạn đang làm đang nghĩ. Nỗi thất vọng tù túng, cũng dễ làm bi quan. Vì vậy “đầu óc” tù mù.

Bị phụ thuộc thiết bị. Nhiều máy nhiều sim, không muốn bị mất liên lạc với ai, mở sẵn hộp thư, bật tắt blog - Chúng ta ko quan trọng như thế, hay việc chúng ta làm ko thường xuyên quan trọng như chúng ta tưởng, mà thường chỉ ở một vài thời điểm cao độ. Đó là cách bị phụ thuộc và phân tâm thường trực. Không rối rắm thì mơ hồ.

Mệt mỏi - mất ngủ làm suy yếu sự quan tâm, bộ nhớ ngắn hạn, và các chức năng tâm thần khác. Cả đầu lẫn óc không sảng khoái.

"Tác dụng phụ" của việc mất tập trung, là rất chán mình, vì làm ko được chuyện.

Không chỉ là việc của não bộ, mất tập trung còn lan tỏa đến "hiệu suất công tác" của mọi "cơ quan đoàn thể" khác.

 

 

alt 

 

 

4.

Làm sao để việc tập trung hiệu quả hơn? - đó là tổ chức thời gian làm việc, kiểm soát sự chú ý, tập trung của mình chặt chẽ hơn, có thể là:

Tâm trí cần nghỉ ngơi, nhất là ngủ. Ít hay nhiều không bằng điều độ. Đừng bao giờ dốc công làm việc 100% công suất hoặc hơn, nếu biết là không ngủ bù đủ, hoặc không thể ngủ “tạm ứng” trước lấy sức. Cần tìm hiểu cơ chế sinh lý cá nhân, để biết rõ quy luật lúc nào làm hiệu quả nhất trong ngày

Lập kế hoạch rõ ràng. Biết giới hạn mục tiêu. Không có mục đích, tâm trí của bạn sẽ bị kéo theo các hướng khác nhau. Thay vì dành tất cả sự chú ý đến nhiệm vụ quan trọng nhất, bạn sẽ thấy mình bị phân tâm bởi một loạt các suy nghĩ dằng dai hay và lan man. Chính trước phụ sau, âu cũng là nguyên lý design. Gắn với hoạch định cụ thể, năng lượng của bạn tập trung theo ý đồ, hơn là phân tán ngẫu nhiên.

 - Ăn uống đàng hoàng, nhất là ăn sáng. Nên luôn ăn với thái độ trịnh trọng như có thể.

 - Tập Thiền để luyện thở và cảm giác lại là cách lành mạnh, mau phục hồi tập trung hơn cả. Bằng việc tập luyện bền chí, các phản xạ trong não của bạn sẽ tốt hơn.

 - Tạo kỷ luật cho chính mình. Stephen R. Covey là một lần viết, "vô kỷ luật là nô lệ cho tâm trạng, ham muốn và niềm đam mê". Hãy nói không với cám dỗ, hãy làm khó mình, liên quan với ý thức vv cần phải nâng cao nhận thức; tìm kiếm động lực cụ thể của các việc cụ thể mà làm, tự cam kết - thưởng và phạt.

 - Thay đổi hay di chuyển trong môi trường hẹp, như cách làm phong phú không gian riêng của mình trong việc làm, học, sống,.. Sắc thái và dáng vẻ của động lực cũng được làm mới.

 - Viết để mở rộng ý tưởng. Viết là nghĩ trên mặt giấy. Nói ra, viết xuống, thổ lộ với, đều là việc nên làm. Với riêng mình càng tốt. Với 1, 2 người có thể chia sẻ được cũng tốt.

 Một hôm, khi bạn đã tập trung tốt hơn, bạn có thể đang ngồi hay đứng, ở chỗ ồn hay yên, nơi đâu cũng được, đều có thể tập trung suy nghĩ sắc, nhanh, gọn với các giải pháp sáng tỏ. Để sớm xong việc, và để thay đổi nhịp tim dành cho việc khác…

 

alt   Nguyễn Tri Phương Đông - Communication designer


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: