amedia

Hallyu và Design Hàn Quốc ở Việt Nam

16-12-2013 23:11:32


AMC giới thiệu bài viết của ThS. Trần văn Bình, Giám đốc AMC, nhân Hội thảo Khoa học Quốc tế "Tìm hiểu làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á ("International Conference UNDERSTANDING KOREAN CULTURAL WAVE (HALLYU) IN ASIA" do Quỹ tài trợ Văn hóa Truyền thông hàn Quốc (The Foudation for Broadcast Culture Korea) cùng Hội Phụ nữ truyền thông Hàn Quốc (Korean Women's Association for Communication Studies) phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM tổ chức.vào ngày 26/06/2012 tại TpHCM. Nội dung bài viết có một phần điểm lại nội dung "Hội thảo Vietnam - Korea: Design Sharing 2011" đã từng đăng trên website AMC tháng 7/2011, để thấy được Hallyu có ảnh hưởng thật sự và xuyên suốt chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc.

 

Hàn lưu (Hallyu - Korean wave - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc) vào Việt Nam đến nay đã trải qua 3 giai đoạn và được cho là đến thời kỳ bão hòa (hoặc có phần chững lại từ 2005 đến nay) nhưng đã kịp mang tới thị trường Việt Nam nhiều thương hiệu, hàng hóa.

Đi cùng Hallyu là khá đông người Hàn Quốc (theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại HQ thì năm 1997 VN chỉ có khoảng 1.800 người HQ, đến 2003 là gần 6.500 người nhưng đến năm 2009 chỉ sau 6 năm đã tăng gấp 13 lần, lên tới khoảng 84.500 người và hiện nay có khoảng 88.000 người HQ đang làm việc và sinh sống tại VN, trong đó khoảng ½ đang ở TPHCM).


Có thể coi Hallyu là một design (thiết kế) chiến lược thành công của các nhà quản trị Hàn Quốc. Halyu đã mang lại hiệu quả nhất định và biểu hiện khá rõ rệt tại TPHCM Việt Nam. Đó là những building – trung tâm thương mại gắn thương hiệu Hàn Quốc tọa lạc tại những vị trí đắc địa nhất, những “làng Hàn Quốc” như “Tiểu Seoul” tại các quận/thành phố mới chung quanh những vùng phát triển nhanh nhất thành phố. Đó là những nhà hàng, khách sạn, siêu thị ngày càng nhiều và không chỉ phục vụ người Hàn Quốc mà đã được nhiều người Việt quen biết và tìm đến. Đó là những thương hiệu hàng hóa đã trở nên rất quen thuộc ở Việt Nam như tivi, tủ lạnh, máy lạnh, điện thoại di động … của Samsung, LG, xe hơi của Hyundai, KIA, Daewoo, nhà hàng ăn nhanh Lotteria, siêu thị Lotte…

Vậy là từ đời sống văn hóa, từ K-movies và K-pop lan tới VN, chỉ sau khoảng 15 năm Hàn Quốc đã trở thành một thương hiệu quốc gia (Korean Identity Brand) tại một đất nước rộng gấp 3 HQ, dân số nhiều gần gấp hai HQ, hiệu quả kinh tế đi theo Hallyu là rất rõ ràng.

Halyu xét về khía cạnh nào đó đang truyền bá Design công nghiệp HQ dưới góc độ chuyên ngành Thiết kế sản phẩm công nghiệp và Thiết kế đồ họa quảng cáo cùng lĩnh vực Design ứng dụng (Thời trang và Nội thất) mang phong cách HQ khá tương đồng với quan niệm thẩm mỹ cũng như lối sống của đông đảo người Việt.

Cùng với Design Japanese, Korean Design không cạnh tranh mà đang cùng “vào bè” tạo dựng những thương hiệu quốc gia vùng Đông Bắc Á đã được khẳng định tại Việt Nam.

Bài tham luận này chúng tôi đề cập đến khía cạnh Halyu đã mang Design Hàn Quốc tới Việt Nam trong chiến lược phát triển design của Hàn Quốc bước vào thời kỳ thứ 3 (xuất khẩu design) sau 2 thời kỳ mà HQ đã nhận thức sâu sắc rằng design có thể làm thay đổi thế giới và chỉ có design mới tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu ngày nay.

Cơ sở cho bài tham luận này bởi tác giả đã tham gia và báo cáo tại các Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc Hợp tác và chia sẻ kiến thức trong ngành Thiết kế công nghệp (Vietnam – Korea Design Sharing 2011), một Chương trình hợp tác giữa Cục xúc tiến thương mại (Vietrade) Bộ Công thương  Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc (KIDP) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển năng lực thiết kế và nâng cao sức cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc.

1.      HALLYU LÀ THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA

Hàng loạt thương hiệu lớn, nổi tiếng thế giới đã tìm đến thị trường Việt Nam thời mở cửa với gần 90 triệu người, đứng thứ 13 thế giới và là thị trường tiêu thụ phát triển mạnh nhất thế giới trong ba thập niên vừa qua và hiện nay. Đó là những thương hiệu của thế giới vật chất tiêu dùng : Xe hơi, xe máy, thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử công nghệ cao và cả những nguồn tư bản tìm cơ hội đầu tư. Người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn nhiều nhãn hiệu tốt hơn, rẻ hơn so với trước đây.

Thập niên đầu tiên của TK 21 hàng hóa Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều tại Việt Nam nhưng phải cạnh tranh với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của các quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới khác. Và phân khúc thị trường những sản phẩm hàng hóa của HQ thường chỉ xếp hạng 2 ở thị trường VN, người ta thường cho rằng đó là những sản phẩm dùng được, giá cả phải chăng, hình thức kiểu dáng không mấy đặc sắc, và chưa ấn tượng. Và chính yếu tố giá cả phải chăng cùng kiểu dáng của sản phẩm hàng hóa HQ tuy chưa đặc sắc nhưng khá thân thiện và phù hợp môi trường sống trong tương quan so sánh với nhiều chuẩn mực hàng tiêu dùng của đông đảo khách hàng VN. Ví dụ các dòng xe hơi mini (minicar) của Daewoo (hiệu Matiz), KIA (hiệu Morning)… giá vừa phải, hình dáng kích thước nhỏ gọn nhanh chóng chiếm được tình cảm của khách hàng Việt đa phần nhà ở trong các hẻm nhỏ và quanh năm với 2-4 mùa mưa nắng, gió bão thì phương tiện xe hơi mini ngày càng được ưa chuộng hơn những dòng xe máy quen thuộc, nhất là khi thu nhập của người Việt không ngừng tăng trong những năm gần đây, dù chưa thật cao. Được biết dòng xe mini này đã bán chạy tại các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ...

Những thương hiệu hàng đầu HQ như Samsung, Hyundai và LG cùng các dòng sản phẩm các loại, chủ yếu là hàng tiêu dùng điện, điện tử, xe hơi, cùng những hoạt động tiếp cận thị trường rất mạnhmẽ của các sản phẩm Hàn Quốc đã nâng hình ảnh thương hiệu sản phẩm HQ thân thiện với thị trường VN. Nếu năm 1988 chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào khoảng 700 triệu USD thì năm 2002 đã lên tới 6 tỷ 800, năm 2004 tương đương 6 tỷ 600 triệu USD thuộc top vài nước đứng đầu thế giới chi cho quảng cáo tiếp thị.

Tuy nhiên hình ảnh sản phẩm công nghiệp HànQuốc thể hiện cụ thể lại không được đánh giá cao về mặt design, vẫn là những kiểu dáng được cho là cùng dòng với những thương hiệu Đông Bắc Á khác như của Nhật Bản nhưng chất lượng kém hơn. Cho đến hết thập niên đầu thế kỷ 21 sản phẩm HQ chỉ bán chạy bởi giá rẻ hơn hàng Nhật Bản, hàng Âu – Mỹ khác cho thị phần khách hàng bình dân.

Thập niên thứ 2 TK21 design và quảng cáo HQ đã thay đổi nhận thức và hướng tới yếu tố hiện đại tiên tiến của công nghệ để cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm của các nền công nghiệp tiên tiến G7. Thế kỷ 20 được coi là thời đại công nghiệp với sự hoàn thiện của rất nhiều sản phẩm đã được phát minh sáng chế từ cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 thì thế kỷ 21 lại là thời kỳ của nền kinh tế tri thức và các thế hệ sản phẩm mới – sản phẩm thông minh – smart. Samsung đã có vẻ như đã định hướng đúng đắn khi lấy yếu tố công nghệ hiện đại để hoàn thiện sản phẩm và nhờ đó khẳng định thương hiệu và nâng cao hơn hiệu quả kinh tế sản phẩm. Đặc biệt khi đã nâng cao được chất lượng kỹ thuật và tiên tiến về công nghệ, vấn đề design nhằm tạo ra sự khác biệt và đổi mới thẩm mỹ tạo dựng phong cách HQ đã song hành cùng việc phát triển quảng cáo tiếp thị, Hàn Quốc đã thu hẹp khoảng cách và bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với những dòng sản phẩm chất lượng cao.

Không chỉ ở TPHCM, những vị trí đắc địa được các nhà đầu tư HQ nhạy bén xây dựng những tổ hợp thương mại – dịch vụ - khách sạn tại những “địa chỉ vàng” cho tiếp thị quảng cáo thương hiệu quốc gia mà nhiều nơi nổi tiếng thế giới cũng được các tập đoàn (Chaebol) mạnh dạn đầu tư quảng cáo thương hiệu của hãng và qua đó dần dần xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia. Bởi họ hiểu rằng xây dựng thương hiệu mạnh cần có tiền và kiên trì.  

Samsung chiếm vị trí quảng cáo tốt nhất trên cảng Victoria ở Hồng Kong và cùng LG chiếm những vị trí đẹp ở quảng trường Thời đại (TimesSquare) ở New York, nơi quảng cáo ngoài trời đắt nhất thế giới... (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Có thể nói mục tiêu xây dựng thương hiệu quốc gia của HQ là chủ trương nhất quán từ cấp quốc gia cho tới tất cả các tập đoàn, doanh nghiệp. Các tập đoàn và các doanh nghiệp của HQ được ủng hộ về chính sách, được khuyến khích trong quảng cáo tiếp thị và đặc biệt những tập đoàn thương hiệu hàng đầu ngày nay của HQ như Samsung, LG, Hyundai, KIA được hỗ trợ tối đa để trở thành đầu tàu kéo Hallyu đi khắp thế giới. Tham vọng trở thành cường quốc kinh tế, lọt vào nhóm top thế giới có ảnh hưởng nhất toàn cầu hiện nay, HQ đã có những tiền đề khá thuận lợi và vữngchắc, khi HQ đã vượt qua những đợt khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ XX, khi những tổ chức quốc tế lớn trên thế giới (VD Liên hợp quốc, Ngân hàng Thếgiới...) hiện nay đều thấy hiện diện người Hàn Quốc.

Vì thế có thểnói Hallyu chính là thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc.

2.      DESIGN HÀNQUỐC ĐẾN VIỆT NAM CÙNG HALLYU

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương (VIETRADE) và Tổ chức Xúc tiến thiếtkế Hàn Quốc (KIDP) thuộc Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc từ năm 2010 tại VN đã tổchức 2 cuộc Hội thảo “Việt Nam – Hàn Quốc : hợp tác & chia sẻ kiến thức trong ngành thiết kế công nghiệp” (Vietnam – Korea Design Sharing).

Năm2010, Hội thảo lần 1 tổ chức tại Hà Nội ngày 15/09, lần 2 năm 2011 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 04/07 và sắp tới năm nay 2012 sẽ tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 20/07.

Tại Hội thảo đầu tiên, ông Hyuntae Kim – Viện trưởng Viện xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) cho biết: "Hiện nay, toàn thế giới đang hướng sự quan tâm tới các quốc gia tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Tôi hi vọng các kế hoạch hợp tác sẽ tiếp tục được xúc tiến cùng với sự gia tăng hợp tác trong quan hệ hai nước, đồng thời kinh tế của hai nước sẽ phát triển cùng với việc ứng dụng hiệu quả phương tiện thiết kế này".

Ông Đỗ Thắng Hải – Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade) khẳng định: " Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp nâng cao năng lực trong ngành thiết kế công nghiệp của Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp và kinh tế thương mại nói chung giữa Việt Nam và Hàn Quốc như giữa các nước trong khu vực". (Nguồn Nguyễn Ngọc)

 

alt 

 

 

Chủ đề của Hội thảo quốc tế lần 2 (năm2011) là “Thiết kế tốt – Chìa khóa thành công trong kinh doanh” (Good Designis Good Business). 

Trong Hội thảo, Bà Maing Eujoo, Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế KIDP với bài thuyết trình “Chính sách cho thiết kế của Hàn Quốc” chia sẻ kinh nghiệm phát triển thiết kế của HQ khởi đầu từ thập niên 60 thế kỷ trước. Cần một chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ với ngành thiết kế để trong một thời gian ngắn có thể bắt kịp các chuẩn mực đã được chuẩn hóa với bề dày trên 100 năm phát triển của các nước tiên tiến. Và đầu tư của Chính phủ và các doanh nghiệp vào công ty thiết kế, đào tạo ngành thiết kế rất mạnh mẽ. Năm 2010 quy mô ngành thiết kế (design) của HQ lên tới 4,6 tỷ Đô la, với 3.023 công ty và 22 ngàn sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế.

Hàn Quốc đã thực hiện chính sách phát triển design mang tính chiến lược gồm 3 giai đoạn.

Hai thập niên 60-70 thế kỷ XX bắt đầu bằng chính sách nâng cao nhận thức và khẳng định tầm quan trọng của design đối với sự phát triển, đặc biệt đối với nền công thương, với định hướng phát triển sản xuất ngành công nghiệp nhẹ trong giai đoạn đó. HQ trú trọng hỗ trợ phát triển thiết kế các sản phẩm xuất khẩu, mở các triển lãm thiết kế chuyên ngành, thành lập Tổ chức Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc (KIDP) và gia nhập các tổ chức thiết kế quốc tế như ICSID, ICOGRADA. Hình thành các văn bản, quy định căn bản cho ngành thiết kế.

Hai thập niên 80-90 tiếp đến là giai đoạn thành lập ngành công nghiệp thiết kế. Bằng việc thực hiện hệ thống Thiết kế tốt GD Mark (Good Design Mark) và Chính phủ thành lập bộ phận chuyên trách về thiết kế. Hỗ trợ kinh phí để phát triển cho các DN thiết kế trong ngành. Mời gọi những nhà thiết kế nước ngoài vào HQ để phát triển các DN chuyên thiết kế. Lập giải thưởng Thiết kế của Tổng thống và nâng cao chất lượng các trường đào tạo để cung cấp nguồn designer ưu tú cho thị trường design. Giai đoạn này HQ trú trọng phát triển ngành công nghiệp hóa chất, trú trọng kỹ thuật và công nghệ.  

Giai đoạn hiện nay từ đầu thế kỷ XXI là chính sách quốc tế hóa ngành công nghiệp thiết kế tương thích với thời kỳ phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao. Đó là hàng loạt những chính sách liên kết, mở rộng hoạt động thiết kế ra khỏi biên giới. Tổ chức các sự kiện thiết kế quốc tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết kế, nghiên cứu phát triển kỹ thuật thiết kế số, hoàn thiện giáo trình thiết kế bậc đại học, hỗ trợ DN thiết kế ra nước ngoài và phát triển thiết kế từ chính phủ TW đến chính quyền địa phương.

Như vậy việc Viện Xúc tiến Thiết kế HQ (KIDP) đến VN như một kế hoạch đã định trong chính sách phát triển Design của HQ.

Với nhận định trình độ design VN đang trong giai đoạn khởi sắc, Bà Maing Eujoo đề xuất VN cần ưu tiên thành lập một cơ quan chuyên trách để nghiên cứu và thiết lập một chính sách cụ thể cho ngành thiết kế. Bà cũng nêu rõ 3 yếu tố cần thiết cho một chính sách thiết kế là Thống kê, Nhân lực và Ứng dụng thiết kế đối với DN. Chỉ có qua thống kê mới định vị được thực trạng nền thiết kế của một nước. Kinh nghiệm của HQ là cứ 2 năm một lần lại thống kê lại toàn bộ ngành thiết kế để nắm được số DN làm thiết kế, số lượng designer và số cơ sở đào tạo, sử dụng, kinh doanh thiết kế, qua đó xây dựng được chính sách phát triển nhân lực designer chuyên nghiệp. Từ đó mới có thể ứng dụng thiết kế một cách hiệu quả đối với DN, và đó là một quá trình lâu dài cải thiện nhận thức thiết kế cho các DN vừa và nhỏ.   

Nền thiết kế công nghiệp VN đã khởi sắc VN từ thời kỳ đổi mới 1986 và nhất là từ năm 2006 khi VN gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, tham gia vào thị trường toàn cầu. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) VN ra đời đã gặp môi trường cạnh tranh khó khăn nhưng cũng chính nhờ những kinh nghiệm cũng như mô hình, phương pháp quản lý, kinh doanh, tiếp thị quảng cáo, phát triển sản phẩm đã giúp cho các DN VN nhận thức được giá trị của thương hiệu, của sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu mạnh. Vấn đề thiết kế hệ thống nhận dạng thương hiệu đã bắt đầu được hầu hết các DN mới cũng như lâu đời quan tâm hơn bao giờ hết.

Qua 2 thập niên qua thương hiệu của một số tập đoàn, tổng công ty và nhiều DN VN đã  trở nên quen thuộc, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều thương hiệu đã có hệ thống nhận dạng thương hiệu cùng logo mới. (Vietnam airline, FPT, DongA bank, Thaco, Trung Nguyên…)

Bên cạnh một thị trường design bắt đầu khởi sắc phải kể đến sự phát triển của khu vực đào tạo designer. Trong khoảng 20 năm (Từ 1990 đến 2010) hàng loạt các cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng đã mở ngành Mỹ thuật công nghiệp, hình thành mạng lưới đào tạo thiết kế khắp cả nước, đáp ứng phần nào nhu cầu của người học và nhu cầu của thị trường thiết kế, các DN và nhu cầu xã hội.

Số lượng cơ sở đào tạo ngành thiết kế tăng nhanh, số lượng sinh viên, người học design tăng mạnh tạo môi trường thi đua, cạnh tranh ngành nghề, một tín hiệu tốt cho thị trường tiêu thụ thiết kế, tuy nhiên phân tích cho thấy vẫn mất cân đối ngành nghề. Có 4 ngành được mở là : Thiết kế tạo dáng sản phẩm, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang và Thiết kế nội thất.

Không những thế, nhiều trường ĐH CĐ VN và nước ngoài liên kết đào tạo thiết kế. Nhiều trung tâm, DN tổ chức đào tạo thiết kế bởi nhu cầu cao của xã hội. Design – thiết kế hiện nay là một ngành được coi là dễ tìm việc làm nhất ngay sau khi tốt nghiệp.

Khoảng 6-7 ngàn thí sinh đăng ký thi ngành thiết kế, khoảng 3 ngàn được tuyển chọn và khoảng 2 ngàn sinh viên thiết kế tốt nghiệp ra trường mỗi năm.

Mặc dù vậy vẫn thấy nhiều hạn chế từ các cơ sở đào tạo design : điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ GV và Chương trình đào tạo chưa chuẩn, tài liệu học tập ít, giáo trình chưa có, nên chất lượng đầu ra thấp hơn các nước trong khu vực. Đặc biệt 2 ngành quan trọng đối với một nền design của một quốc gia là Thiết kế công nghiệp và Thiết kế đồ họa thì ngành TKCN ít người theo học khó tạo tiền đề phát triển. 

Đã có nhiều tạp chí về lĩnh vực thiết kế đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thiết kế nhưng chưa toàn diện, chủ yếu về lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm làm đẹp, trang trí nội thất. Tạp chí chuyên về thiết kế công nghiệp, đồ họa quảng cáo vẫn chưa ra đời. Ngay tạp chí Thiết kế (Design Magazine) đầu tiên của VN số đầu ra hồi tháng 7/2009 cũng chỉ được 5 số rồi ngưng, là phụ san của báo Người Hà Nội.

Phương tiện truyền thông báo chí truyền thống có thêm hệ thống truyền thông mới đầy hiệu quả là TV và mạng Internet đã làm thay đổi hàng loạt vấn đề từ nhận thức, hiểu biết, cho tới thiết kế, đào tạo thiết kế, sử dụng thiết kế và quản lý, phát triển thiết kế lên một tầm chất lượng mới không giống phương pháp cũ. Các DN phải thiết kế hệ thống nhận dạng thương hiệu phù hợp phương tiện biểu đạt của hệ thống kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông mới kết nối mạng internet, xây dựng hồ sơ năng lực của minh qua hệ thống website đầy hiệu quả PR hơn hẳn các phương pháp quảng cáo in ấn truyền thống. Kể cả những tờ báo lớn mạnh nhờ quảng cáo trong 2 thập niên qua cũng chuyển hướng tăng cường online, chưa kể hàng loạt kênh truyền hình sóng và truyền hình cáp và các nhà cung cấp dịch vụ mạng ra đời đáp ứng nhu cầu của xã hội, và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển mạng internet nhanh nhất thế giới.

Nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền design mới phát triển, đặc biệt trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia đã có chiến lược phát triển design từ thập niên 60 thế kỷ XX với những chính sách quốc gia. Vì vậy, với Việt Nam bắt đầu từ bây giờ đã là sự khởi đầu tuy muộn nhưng cần thiết cũng bắt đầu từ những chính sách vĩ mô về nâng cao nhận thức nền design tốt mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội. Nhà nước cần tổ chức cơ quan quản lý thiết kế cấp nhà nước, dành ngân sách cho chiến lược phát triển design VN. Nghiên cứu phối hợp các ngành nghiên cứu phát triển ngành Công nghiệp Sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh nguồn lực tự nhiên – xã hội – con người  để phát triển đất nước.

Cụ thể hơn là những đề xuất như thành lập Viện Thiết kế nghiên cứu - ứng dụng – phát triển ngành thiết kế. Thành lập Hiệp hội các nhà thiết kế, xuất bản tạp chí và xây dựng website Thiết kế Việt Nam. Lập giải thưởng quốc gia Thiết kế tốt Việt Nam. Định hướng phát triển công nghệ kỹ thuật số cho design. Định chế xây dựng các website trở thành hồ sơ năng lực của DN. 

Sau nữa là học hỏi và tranh thủ liên kết với các quốc gia có nền kinh tế và design phát triển trong khu vực và trên thế giới để phát triển ngành thiết kế Việt Nam.

Truyền thông VN cần tích cực hỗ trợ cho việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thiết kế và quảng cáo gắn liền với sự phát triển của các doanh nghiệp, đồng thời tác động tới thị trường tiêu dùng để “Người Việt dùng hàng Việt” mới mong khuyến khích và phát triển sản phẩm nội qua đó phát triển thiết kế tốt từ các DN, và người Hàn Quốc, người Nhật Bản đã làm rất tốt điều này.

Thương hiệu quốc gia là hình ảnh biểu tượng của một dân tộc, một quốc gia, không thuần túy ở một vài thương hiệu mạnh của số ít sản phẩm tiêu biểu nào đó. Theo đó Design của mỗi quốc gia đều có chung công thức : Thiết kế tiếp thị = Thiết kế tốt + Quảng cáo tốt hay  Designmarketing = Good Design + Good Advertising và khẩu hiệu (Slogan) cho Design là “Quảng bá Tốt theo Thiết kế Tốt”  “Good Show follows Good Design”.

Bên cạnh các hội thảo như vậy phía HQ đã triển khai các khóa huấn luyện đào tạo trực tiếp các nhà thiết kế của các doanh nghiệp, tư vấn về phát triển design, bao bì mẫu mã và quảng cáo sản phẩm, trước mắt phù hợp thị hiếu của người HQ và qua đó gián tiếp xuất khẩu sản phẩm VN đi khắp thế giới thông qua các doanh nghiệp thương mại HQ. Khóa huấn luyện đầu tiên đã được tổ chức năm 2011 tại khu vực phía Bắc và như dự kiến sẽ tiếp tục mở trong năm nay tại phía Nam.

Hội thảo lần 3 năm nay như đã lên kế hoạch sẽ tổ chức tại Đà Nẵng, miền Trung đang phát triển mạnh mẽ của VN, chủ đề "Đổi mới bằng Design" ("Innovation by Design")như sự tiếp nối các cuộc hội thảo trước. Sự kiên trì và quyết tâm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của design đối với các doanh nghiệp VN làm tiền đề cho những đổi mới, đầu tư và phát triển design từ cơ sở các doanh nghiệp sản xuất cũng cho thấy cùng với Hallyu, HQ đã thực sự khẳng định vị thế thương hiệu quốc gia của mình tại VN bằng những động thái tích cực và căn bản thúc đẩy design VN phát triển. Nhưng qua đó cũng cho thấy vị thế design của VN đang ở giai đoạn 1 của chính sách phát triển design của HQ cách đây nửa thế kỷ - chính sách nâng cao nhận thức và khẳng định tầm quan trọng của design đối với sự phát triển, đặc biệt đối với nền công thương, với định hướng phát triển sản xuất ngành công nghiệp nhẹ.

KẾT LUẬN

Hallyu không chỉ là làn sóng văn hóa HQ lan tỏa và biến mất, HQ đã tạo phát Halyu một cách chủ động để qua đó gây được ảnh hưởng tốt tới hình ảnh quốc gia. Hình ảnh quốc gia cùng các thương hiệu lớn của các tập đoàn (Chaebol) HQ đã tạo dựng thành công thương hiệu quốc gia HQ. Thương hiệu quốc gia tốt kéo theo các thương hiệu nhỏ và vừa khác trở nên tốt. Vì vậy Hallyu chính là thương hiệu quốc gia của HQ.

Design bằng nhiều cách cùng quảng cáo tiếp thị góp phần xây dựng thương hiệu. HQ đã nhận thức và có chính sách đúng đắn phát triển design từ rất sớm, đi trước VN nửa thế kỷ. Cùng Hallyu design HQ đã đến VN qua các kênh trực tiếp và gián tiếp. Gián tiếp qua các sản phẩm hàng hóa và văn hóa Hàn, trực tiếp là các Chương trình và Dự án Hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm thiết kế của HQ cho VN. Design HQ vì thế đã đến VN cùng Hallyu./.

TRẦN VĂN BÌNH, MBA


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: