Ghi chú Nghệ thuật
16-12-2013 23:12:19
Ghi chú Nghệ thuật của Hồng Hoang
Nguyễn Hồng Hưng. Tác giả cuốn Nguyên lý Design Thị giác, Nxb Đại học Quốc gia, 2012.
Lác đác trong các trang sách có dùng thuật ngữ “Nghệ thuật đương đại”. Hai chữ Đương đại, là một khái niệm mới của nghệ thuật, xuất hiện sau khái niệm nghệ thuật Hậu hiện đại.
Hai từ “Đương đại” dễ hiểu chệch hướng theo ý nghĩa lịch đại, dễ dẫn tới cách hiểu sai là: cứ sáng tác nghệ thuật ở thời đương đại này đây, thì sẽ có tác phẩm nghệ thuật Đương đại, với lí do tác giả không thể tránh được ảnh hưởng của thời đại (lịch đại) mà anh ta đang sống. Không phải vậy, vì ngay tại thời điểm “bây giờ đây”, không còn là thời đại của nghệ thuật Cổ điển hay Hiện đại nữa, nhưng nếu thích, có thể làm nghệ thuật Cổ điển hay Hiện đại vẫn được. “Nghệ thuật Đương đại”* có tiêu chi nội dung tư tưởng riêng và không có quy ước thành văn hay không thành văn cho riêng hình thức thể hiện của nghệ thuật thị giác.
Về văn bản, tiêu ngữ “Hậu hiện đại” xuất hiện rất sớm.*
Tới khoảng 1960 được dùng như một khái niệm nghệ thuật có nội dung tư tưởng ngược lại với khái niệm nghệ thuật Hiện đại. Xong thực ra “Tâm thức Hậu hiện đại, là một nỗ lực mới nhằm thức tỉnh trước những nguy cơ và cám dỗ, để tiếp tục suy tưởng và kiến tạo những hình thức mới, phù hợp hơn, để “cứu vãn” và bảo vệ những giá trị đích thực của Hiện đại: sự tự do, sự khai phóng cá nhân...” (trích trang14- Hoàn cảnh Hậu hiện đại- Jean Francoi Lyotard-Dịch giả Ngân Xuyên-Bùi văn Nam Sơn hiệu đính & giới thiệu - NXB Trí Thức-2008).
Còn khái niệm nghệ thuật đương đại tuy cũng không thật chính xác thời điểm ra đời, nhưng được coi là xuất hiện trong khoảng thời gian thoái trào của chủ nghĩa hội họa Ấn tượng, và cụm từ nghệ thuật “Đương đại” cùng cụm từ “Hậu hiện đại”, tùy từng văn bản, được thay nhau sử dụng bao trùm cho nhiều loại hình nghệ thuật xuất hiện sau trào lưu nghệ thuật Hiện đại. Ví dụ như: văn học, nghệ thuật, âm nhạc, triết học, kinh tế, kiến trúc, viễn tưởng, và phê bình văn học.v.v…và thường được kết hợp với lí thuyết giải cấu trúc và hậu cấu trúc luận. Trích đoạn bài viết về chủ nghĩa Hậu hiện đại của nhà nghiên cứu phê bình văn học Thụy Khuê để chứng minh những cách hiểu khác nhau về mối quan hệ của nghệ thuật Hiện đại và “Chủ nghĩa Hậu hiện đại”:
“… Trong suốt thập niên 1960, danh từ Postmodernism được giới nghệ sĩ và nhà phê bình sử dụng để chỉ trích sự cạn kiệt của chủ nghĩa Hiện đại và để mô tả những khuynh hướng nghệ thuật muốn vượt qua phạm vi giới hạn của chủ nghĩa Hiện đại
Nói chung, dù có những phát biểu khác biệt nhưng đa số các nhà Hậu hiện đại có một quan điểm chung là: Thế giới như một sự hỗn độn và bất khả nhận thức. Từ đó họ cho rằng: Những tri thức và chân lí của chủ nghĩa hiện đại (là sản phẩm tinh thần của chủ nghĩa tư bản) là những thứ quyền uy và chủ nghĩa Hậu hiện đại chính là trào lưu tư tưởng chống lại những quyền uy tưởng như bất di bất dịch ấy…”.
Tới đây thấy rõ hai trích đoạn có hai cách hiểu khác nhau về chủ nghĩa Hậu hiện đại. Nhưng chính cha đẻ của triết học Hậu hiện đại chưa bao giờ tuyên bố chống lại tư tưởng của chủ nghĩa Hiện đại. Lyotard đã nhiều lần nhấn mạnh: “Hậu hiện đại không phải là sự cáo chung của hiện đại[...] mà là một quan hệ khác với Hiện đại”.
(trang 15-Hoàn cảnh Hậu hiện đại- Jean Francoi Lyotard-Dịch giả Ngân Xuyên-Bùi văn Nam Sơn hiệu đính & giới thiệu - NXB Trí Thức-2008)
Tới khoảng thập niên 1990 Chủ nghĩa Hậu hiện đại thoái trào, vì những sáng tác được đánh giá thuộc nghệ thuật Hậu hiện đại đã mâu thuẫn với chính lí thuyết nghệ thuật Hậu hiện đại do triết gia người Pháp Jean Fracois Lyotard (1924-1998), một tác giả đích thực sáng lập chủ nghĩa Hậu hiện đại.
Đọc một trích đoạn:
“Những nhận định của Lyotard về tác hại của xã hội vi tính hóa đối với tri thức mặc dù có những điểm đúng, nhưng toàn bộ lập luận không tránh khỏi phiến diện. Bốn mươi năm sau khi lý thuyết của ông ra đời, người ta lại càng thấy cái nhìn hạn hẹp của cha đẻ thuyết hậu hiện đại: ông đã phê bình gắt gao xã hội vi tính hóa vì ông chỉ nhìn thấy những cái dở mà không ghi nhận được những lợi ích của tin học đối với văn chương, văn hóa nói riêng và tri thức nói chung. Người đọc không khỏi ngạc nhiên, trước thái độ tụt hậu của Lyotard đối với tiến bộ “hậu hiện đại nhất” của loài người trong thế kỷ XX: sự vi tính hóa xã hội. [...] Khi đề nghị bất cứ một mẫu mực “sách”, mẫu mực “lý thuyết” hay “văn chương” nào, là “hậu hiện đại” sẽ hết hậu hiện đại, bởi nó đi ngược với “điều kiện” hậu hiện đại mà cha đẻ nó đặt ra: từ chối những mẫu mực có sẵn”.
(nguồn: “Hậu Hiện Đại-Thực chất và ảo tượng”. Tác giả: Thụy Khuê-Paris tháng 2-8/2003).
Còn lại cụm từ “Nghệ thuật Đương đại”*, được sử dụng phổ quát mức toàn cầu cho những tác phẩm cụ thể có khuynh hướng không phải nghệ thuật Hiện đại, sáng tác từ khoảng cuối thập niên 1960-1970 tới giờ phút này.
Điều đáng lưu ý, từ 1970 trở về trước, nhiều trường phái hội họa hiện đại ra đời với lí lịch khai sinh rõ ràng cả về thời gian và nội dung tư tưởng.
Thời gian sau 1970** , trên các phương tiện thông tin đại chúng, các khái niệm “Hậu hiện đại” rồi “chủ nghĩa Hậu hiện đại” rồi “nghệ thuật Đương đại”, đã sử dụng tràn lan kèm với nội dung viết na ná như nhau, gây mập mờ không hiểu được đó là một nội dung có ba tên gọi, hay là ba món riêng biệt.
Hiện nay ở Việt Nam có một số nhà viết về lí thuyết nghệ thuật và các nghệ sĩ thường dùng tiêu ngữ “Nghệ thuật Đương đại” với hàm nghĩa thời gian đương thời. Vì khi xem những sách nói về “Nghệ thuật đương đại Việt Nam” của một số tác giả làm lí luận nghệ thuật thấy có lẫn nhiều cả những tác giả và tác phẩm Hiện đại, thể hiện theo khuynh hướng Ấn tượng, Biểu hiện hoặc Siêu thực.
Nhớ cố G.S Hoàng Ngọc Hiến đã nói: “Ở nước ta nó thế”.
Nghệ thuật Cổ điển, khác với nghệ thuật Hiện đại, cũng như nghệ thuật Hiện đại khác với nghệ thuật Hậu hiện đại và Đương đại. Sự khác là do khi nghệ thuật phát triển, đã xuất hiện những quan niệm thẩm mĩ khác nhau, tạo ra các khái niệm thẩm mĩ khác nhau, dẫn tới cách tư duy đề tài, cách thao tác làm tác phẩm cụ thể khác nhau.
Xem về hình thức trong nghệ thuật thị giác, hội họa Cổ điển rất cần tới một cặp mắt rất tinh sáng với đôi tay có kĩ năng thể hiện tài khéo để dùng bút vẽ chấm vào màu, mà chế tác mô phỏng hiện thực tinh vi nhất, bao gồm thiên nhiên và con người, với quy luật ánh sáng như hệt thụ cảm thị giác ở không gian mô tả của tác phẩm, với tỷ lệ người đã được thiết lập thành chuẩn mực cố định. Cấu trúc hình thức của nghệ thuật Cổ điển luôn là những bố cục minh họa cho nội dung.
Nghệ thuật hiện đại có nhiều trường phái như “Ấn tượng”, “Siêu thực”, “Trừu tượng”, “Biểu hiện” v.v… Vẫn là dùng bút vẽ như nghệ thuật Cổ điển. Nhưng cũng đã khác, vì có tôn chỉ chung là không cần phải vẽ mô phỏng tinh vi giống hệt như mắt nhìn không gian thật. Không nhất định phải tuân theo quy luật ánh sáng tự nhiên, và tỷ lệ người thì phụ thuộc vào cảm xúc nghệ sĩ (có thể vẽ méo mó tùy nghệ sĩ). Nên nhu cầu đòi hỏi kĩ năng ở tay và mắt, không khắt khe, siêu phàm, như tay và mắt của họa sĩ Cổ điển, tuy nhiên trong trào lưu nghệ thuật Hiện đại vẫn còn có tới hai trường phái là “Cường hiện thực” và “Siêu thực” cần sự khéo tay tinh mắt đỉnh cao ở người họa sĩ.
Nghệ thuật hiện đại rất cần một cái nhìn trí tuệ trực tiếp của thị giác, để biểu hiện những cấu trúc màu và cấu trúc hình thức, làm sốc ghê gớm đồng thời làm giầu những tâm hồn thưởng lãm tác phẩm đó. Cấu trúc hình thức của nghệ thuật hiện đại trực tiếp là nội dung tác phẩm. Không còn là bố cục những con người có tỷ lệ chuẩn mực hoạt động trong không gian giả ba chiều, để diễn tả, minh họa cho nội dung như nghệ thuật Cổ điển. Những mĩ từ như “bữa tiệc màu sắc”, dùng mô tả thụ cảm hội họa có từ khi xuất hiện hội họa Hiện đại.
Các nghệ sĩ Hiện đại tự do thể hiện những hình thức kì quái xẩy ra bên trong tâm sâu của họ, mà không sợ sai quy phạm như họa sĩ Cổ điển sợ viện hàn lâm nghệ thuật..
Thẩm mĩ của nghệ thuật Hiện đại tác động lên tâm lí người xem, bằng mọi hành vi tự do vẽ lên trên tác phẩm thị giác của tác giả.
Hai điều duy nhất còn lại của hội họa Hiện đại còn giống với hội họa Cổ điển là vẫn sử dụng màu vẽ lên trên bề mặt được chuẩn bị trước nào đó, để làm thành tác phẩm. Và chỉ cảm thụ cùng nhận thức tác phẩm bằng thị giác. Không cảm thụ bằng các giác quan khác.
Vẫn xem vể mặt hình thức. Nghệ thuật Đương đại cũng có nhiều ngành khác nhau như “ Nghệ thuật sắp đặt”, “Nghệ thuật trình diễn”, “Nghệ thuật khái niệm”, “Nghệ thuật kỹ thuật số”, “Nghệ thuật video”*** v.v... Có những quan niệm tư tưởng khác hẳn nghệ thuật Cổ điển hay Hiện đại, đã hình thành một khái niệm nghệ thuật khác. Đương nhiên cũng đem đến cách làm tác phẩm và cảm thụ tác phẩm không còn như nghệ thuật Cổ điển và Hiện đại.
Cụ thể là hình thức của nghệ thuật thị giác Đương đại, không có nguyên tắc định chế cho phương pháp làm tác phẩm. Tác phẩm thị giác Đương đại có thể làm với bất kì hình thức biểu hiện nào, không nhất thiết chỉ là dụng bút vẽ lên bề mặt tranh. Có thể xây, đúc, hàn, chiếu video, hay dùng đèn pha, dùng giấy bìa cắt dán, buộc dây, dùng vải bọc, dùng nước, dùng động cơ, xe lu lăn đường, xe cần cẩu…Thậm chí cả thuốc nổ v.v... Bài trí tại bất kì không gian nào do tác giả lựa chọn. Và cho phép cảm thụ bằng tất cả các giác quan: thính giác-thị giác-xúc giác-khứu giác-vị giác. Tính tự do cho từng nghệ sĩ thể hiện được chấp nhận đa dạng hơn cả khái niệm nghệ thuật Hiện đại. Nghệ sĩ được vẽ những cái nhìn bên trong thị giác và vẽ ra những ảo giác họ thấy. Quyền tự do biểu hiện hình thức này đương nhiên thú vị, hấp dẫn với tâm lí sáng tác của nghệ sĩ thị giác thời đại ngày nay.
Nghệ thuật Đương đại, là một nghệ thuật liên phương tiện, đa kĩ năng, kĩ thuật của nhiều ngành ngoài nghệ thuật, phối hợp phục vụ cho ý tưởng tác phẩm. Và ý tưởng tác phẩm sẽ quyết định chất liệu và hướng thể hiện tác phẩm.
Cũng vì đặc điểm biểu hiện khái niệm nghệ thuật đương đại, nên hầu hết tác phẩm nghệ thuật đương đại rất khó mua bán, hay lưu giữ tại các bảo tàng hoặc gallery. Một thể loại nghệ thuật xem như bẩm sinh phi thương mại. Hiện nay đã có một số ít bảo tàng nghệ thuật đã mua tác phẩm nghệ thuật đương đại, muốn phần nào thương mại hóa các tác phẩm của nghệ thuật Đương đại.
Tác giả thực hành những tác phẩm như thế, không tiên quyết là họa sĩ hay nhà điêu khắc. Và được gọi chung là “Nghệ sĩ đương đại”, hay “Nghệ sĩ nghệ thuật thị giác”.
Phương pháp thẩm định cái đẹp của nghệ thuật đương đại coi trọng những ý tưởng về các vấn đề toàn xã hội quan tâm như: nữ quyền-đại dịch HIV-môi sinh-nạn thất nghiệp-nhà ở cho người nghèo-nhân quyền.v.v... Nhìn chung là nghệ thuật đương đại hướng về cảm xúc, tâm tư, bức xúc của từng cá thể. Hầu như không quan tâm hướng tới những mục tiêu tư tưởng lớn như một lí tưởng, một thiên mệnh, hay chân lí lớn được tạo ra từ một đại diện huyền bí.
Phương pháp thẩm định cái đẹp của nghệ thuật đương đại, không còn giống nghệ thuật hiện đại và những nghệ thuật trước nó nữa. Xong đương nhiên không phải khái niệm cái đẹp của nghệ thuật đương đại có thể phủ nhận cái đẹp của những trào lưu nghệ thuật khác có trước nó.
Thực tế lịch sử nghệ thuật luôn rõ ràng “Không một trường phái nào, một khái niệm nghệ thuật mới tinh nào có thể phủ nhận nổi các bậc nghệ sĩ tinh hoa thiên tài, ở mọi trường phái nghệ thuật của nhân loại”. Có thể xét ngay cả từ thời nghệ thuật chưa có chữ viết để bầy tỏ “khái niệm nghệ thuật” của nghệ sĩ. Đó là thời “Nghệ thuật Nguyên thủy”.
Bản chất cốt lõi của phát triển nghệ thuật nói chung, chính là lịch sử xuất hiện các khái niệm nghệ thuật.
Các họa sĩ đương đại đang phát triển theo thời đại của mình, đó là tự do của nghệ thuật. Những ai đó đang sống trong thời đại này, thích sáng tác theo những khái niệm nghệ thuật xưa, đương nhiên cũng là tự do của nghệ thuật.
Lại nói đến thực tế. Thực tế sáng tác của một nghệ sĩ có nhu cầu từ nội tâm sâu, thường không bận tâm gì tới lí luận nghệ thuật, về lí thuyết các khái niệm nghệ thuật. Nghệ sĩ đích thực không sáng tác bằng tâm thế giải cứu bế tắc của một nền nghệ thuật cụ thể. Họ sáng tác vì chính bản thân họ. Nếu không sáng tác như thế, họ sẽ không chịu nổi mỗi khi sáng tác mà không làm như thế…như thế…như thế…
“Nghệ thuật không chứa niềm tự hào. Nghệ thuật là niềm an ủi của nghệ sĩ, hoặc người nghệ sĩ đi tìm sự an ủi nơi nghệ thuật”. Chỉ đặc biệt với các nghệ sĩ thiên tài, nghệ thuật vốn là niềm an ủi của riêng họ, đã trở thành niềm an ủi và tự hào của cộng đồng. Thậm chí có thể là niềm tự hào của nhân loại.
Mọi lí luận về những khái niệm nghệ thuật, đều là cách bầy tỏ tri thức nghệ thuật bằng phương pháp khác. Phương pháp của những con chữ với: ngữ pháp, hùng biện, mĩ học, triết học, những phương pháp rất tuyệt vời trí tuệ…Nhưng nhất định không phải là những cấu trúc hình thức của nghệ thuật thị giác. Một thứ hình thức mà mọi chữ viết cố gắng cùng tột cũng chỉ tiệm cận với nghệ thuật mà thôi. Tuy nghệ thuật thị giác không bao giờ là những suy niện của logich ngôn từ và văn bản, nhưng phải công nhận rằng quần chúng vẫn rất cần những chỉ dẫn tiệm cận đó. Và quần chúng tạo ra xu thế thời đại có lợi về tiền bạc và tiếng tăm cho không ít nghệ sĩ hợp thời. Lại thấy rõ vai trò có tính thời sự, tạo dư luận và hướng dẫn dư luận của giới phê bình lí luận nghệ thuật. Sẽ là tồi tệ văn hóa nghệ thuật cho cộng đồng nào có những nhóm lợi ích phê bình nghệ thuật háo danh, cơ hội.
Giả tưởng một nhân loại khác, có đầy đủ những tư liệu bằng chữ viết về nghệ thuật thị giác của loài người chúng ta. Xong họ không hề có một mảnh tư liệu nào bằng hình về nghệ thuật thị giác của chúng ta. Liệu họ có cảm thụ được không, nghệ thuật thị giác của con người?
Có thể họ hiểu theo văn bản và suy luận…Điều này tương tự như uống nước: “Ai uống người đó hết khát”. Người không uống sẽ suy luận về cảm giác hết khát của người uống nước.
Gọn lại là “lí luận phê bình nghệ thuật là cách trình bầy khác của nghệ thuật. Không phải là nghệ thuật” . Nhưng dù sao các nhà phê bình lí luận nghệ thuật của chúng ta không bị lâm vào tình trạng không có tư liệu về hình ảnh. Ấy thế mà lịch sử phê bình và lí luận nghệ thuật, chưa hề có trường hợp nào định hướng hay tiên đoán được phát triển của nghệ thuật. Ngay hiện nay, các nhà phê bình lí luận nghệ thuật không thể tiên đoán sau nghệ thuật Đương đại sẽ xuất hiện trào lưu nghệ thuật nào? Nếu các nhà phê bình nghệ thuật dự báo được các trào lưu nghệ thuật tương lai, thì các thiên tài hội họa Van Gogh và Paul Gauguin đã không quá nghèo khổ khi đang còn sống. Nên chỉ có cách truyền thống, là chờ đợi sáng tác ở một vài nghệ sĩ thiên tài nhận ra bước cần thiết khác của nghệ thuật sau nghệ thuật Đương đại. Bứt phá khỏi nghệ thuật Đương đại. Sau đó các nhà lí luận phê bình sẽ làm việc của họ. Các lí thuyết gia sẽ tiếp tục phát triển thành triết học nếu có thể. Khác hẳn một cách nghĩ:
“Tôi luôn tin rằng, khi lý luận về nghệ thuật phát triển thì thực tiễn nghệ thuật sẽ phát triển theo và nếu ngược lại thì nghệ thuật sẽ bị kìm hãm, què quặt”./.
(nguồn://tiasang.com.vn/ PGS. TS Bùi Quang Thắng
Viện Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam).
Đọc tới đây thì có lẽ biết bao họa sĩ sẽ giật mình phì cười, vì đã từ lâu khi sáng tác không tìm cách tư duy và suy niệm như các nhà triết học. Chắc triết học Ấn tượng có trước khi trường phái hội họa Ấn tượng ra đời? Cả trường phái Siêu thực và trường phái Biểu hiện cũng thế chăng ? Nếu không thế, thì cứ như tư duy của PGS TS Thắng các trường phái hội họa đó phải bị què quặt cả chứ nhỉ ?
Đơn cử trường hợp của triết học “Hậu hiện đại”, là bắt đầu từ quan sát thực tế xã hội. Từ những khái niệm thẩm mĩ của các nghệ sĩ phát triển thành mĩ học, rồi mới được nhà triết học nghiên cứu phát triển tới tầm mức tột cùng của lí thuyết là “Triết học Hậu hiện đại”. Trích đoạn:
“ Triết học Hậu hiện đại diễn đạt một cách suy lí những gì nghệ thuật Hiện đại đã thể nghiệm bằng phương tiện nghệ thuật”. (Trang17- Hoàn cảnh Hậu hiện đại- Jean Francoi Lyotard- Dịch giả Ngân Xuyên- Bùi văn Nam Sơn hiệu đính & giới thiệu - NXB Trí Thức-2008).
Không có các nhà lí luận phê bình nghệ thuật, nghệ thuật tầm trung, sẽ bị xa lạ và không phát triển được ở tầm mức phổ quát toàn xã hội, còn nghệ thuật đỉnh cao, có lẽ chỉ còn hy vọng vào các nhà khảo cổ. Một mảng lớn văn hóa nhân loại bị hẫng hụt. Các nghệ sĩ thực tài không bao giờ được quần chúng biết đến, cho dù việc này chỉ có ý nghĩa với cá nhân nghệ sĩ. Tính cả những họa sĩ đã chết lâu rồi. Thời đại truyền thông toàn cầu hóa này, tài năng hay thành quả của nghệ sĩ hầu như là nhờ cả ở tay bút của các nhà phê bình nghệ thuật kết hợp với truyền thông đại chúng.
Việt Nam hiện nay, các nhà tư tưởng, các lí thuyết gia, đưa ra một tư tưởng mới, sau đó các nghệ sĩ dùng làm định hướng cho tự do sáng tác của họ. Và các nhà phê bình lí luận nghệ thuật là những người quản lí, định hướng nghệ thuật, quyết định đội ngũ nghệ sĩ hàng đầu, và tiên đoán tương lai của các trào lưu nghệ thuật. Điều này có thể hoàn toàn đúng trong môi trường Việt Nam đương đại. Cụ thể như tư tưởng“ Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Từ tư tưởng đó, gần một thế kỉ qua, đã làm các loại hình nghệ thuật và phê bình lí luận nghệ thuật Việt Nam đã trở thành vũ khí sắc bén của của văn hóa chính thể, chống lại các thế lực văn hóa thù địch “phi hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Giữ vững tôn chỉ “nghệ thuật là phản ánh hiện thực”. Giữ vững và phát triển mặt trận văn hóa nghệ thuật cho tới bây giờ.
Lí thuyết thật dài, xong nghệ thuật và phê bình nghệ thuật cứ tựa như hai mặt của một tấm…mâm đồng thau, một mặt là những cấu trúc hình thức, mặt kia thuần túy là chữ. Cả hai mặt cùng bàn nhiều về hạnh phúc con người.
(Chắc sự ví von hai mặt của cái mâm đồng và hạnh phúc con người, sẽ làm nhiều người không hài lòng…Có lẽ ý họ muốn sửa lại nghiêm túc, là nghệ thuật và lí luận phê bình nghệ thuật, cùng hướng về cái đẹp bằng hai phương pháp khác nhau. Nghệ thuật nâng tầm cảm thụ cái đẹp còn lí luận phê bình nghệ thuật nâng tầm tri thức nghệ thuật).
Xin lưu ý, những sinh hoạt văn hóa thuộc trào lưu nghệ thuật Đương đại ở Việt Nam hiện nay hầu hết có sự bảo trợ của một số đại diện văn hóa của nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể là:Viện Gớt, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Việt Nam - Ðan Mạch (CDEF)...
Những nghệ sĩ thị giác thường tìm hiểu trào lưu nghệ thuật mới qua mạng internet, qua những phương tiện truyền thông đại chúng, và một lượng sách ít ỏi được mang vào Việt Nam.
29-6- 2013.
NHH
GHI CHÚ:
* Tiêu ngữ “Đương Đại” khi dùng trong lãnh vực nghệ thuật, không thể hiểu theo kiểu suy tự là đương trong thời đại này. Nếu suy tự như vậy thi tiêu ngữ “Hiện Đại” sẽ được gán cho là: thời đại hiện nay. Suy nghĩ và viết như vậy là thiếu quan tâm lí thuyết khái niệm Hậu hiện đại và khái niệm nghệ thuật Đương đại. Trong tiếng Việt cụm từ “đương đại” được dịch thuật ở mảng nghệ thuật, tương đương với từ Contemporary. Đương nhiên với những người không quan tâm tới các trào lưu nghệ thuật, có thể hiểu cụm từ “đương đại” với nội hàm thời gian. Và không thể sử dụng cách hiểu biết “suy tự” đó cho lĩnh vực nghệ thuật.
Về lịch sử sự kiện thì sự xuất hiện của các trào lưu nghệ thuật là nối tiếp nhau liên tục, có cả những trào lưu xuất hiện trùng chập không xác định chính xác thởi điểm ra đời. Chỉ có thể nói trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại ra đời từ thế kỉ XIX, khoảng 1880 cho tới đến khoảng 1960 – 1970. Trong thời gian đó, hàng loại các trường phái hội họa Hiện đại xuất hiện. Kế tiếp khoảng thời gian 1960 - 1970 Nghệ thuật Đương đại xuất hiện, tồn tại tới giờ phút này. Riêng cụm danh từ “Hậu hiện đại” xuất hiện rất sớm. Gần như cùng khoảng thời gian xuất hiện khái niệm chủ nghĩa Hiện đại.
** Về mốc thời gian, mỗi nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hiện đại có một trình khảo sát khác nhau. Ví dụ về khoảng thời gian xuất hiện trào lưu nghệ thuật Hiện đại, có nhà nhiên cứu tính từ những năm đầu 1800, là khoảng thời gian chủ nghĩa Lãng mạn xuất hiện. Cũng có người tính từ mốc Chủ nghĩa hiện thực 1830. Tất cả đều không sai vì thực tế trùng chập, đan xen thời gian xuất hiện của các trường phái nghệ thuật trong trào lưu nghệ thuật Hiện đại.
*** Lưu ý vì cha đẻ của trào lưu “Hậu hiện đại” phản đối dữ dội “xã hội hóa vi tính”, nên sau này khái niệm nghệ thuật “Đương đại” đã thay thế khái niệm nghệ thuật “Hậu hiện đại”. Có thể xem nghệ thuật Hậu hiện đại là giai đoạn khởi đầu của nghệ thuật “Đương đại”.