Conceptual Photography - Ảnh ý niệm
05-05-2014 21:11:39
Nhiếp ảnh ý niệm (Conceptual Photography)
Bức ảnh Inspiration trong bộ ảnh ” Shadows of the Dream “”của nhà nhiếp ảnh Misha Gordin – người chụp những bức ảnh Conceptual – Ý niệm đầu tiên
CONCEPTUAL PHOTOGRAPHY ( Hay nhiếp ảnh ý niệm ) là gì?
Conceptual Photography – là một thể loại nhiếp ảnh, trong đó các nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh để truyền tải tới người xem những khái niệm hay ý tưởng của mình.
Conceptual photography là thể loại nhiếp ảnh mà trong đó, những chủ thể, đối tượng nhìn thấy được trong ảnh lại không phải là chủ đề chính của bức ảnh. Chủ đề chính trong conceptual photography thường được mã hóa hoặc được mô tả bằng phương pháp ẩn dụ bên trong toàn bộ bố cục tổng thể của bức ảnh. Nghĩa là những bức ảnh conceptual thực ra là thể hiện tư tưởng, triết lý của tác giả thông qua những đối tượng, vật thể khác.
Conceptual Photography bắt nguồn từ đâu ?
Misha Gordin sinh năm 1946 tại Riga ( Liên Xô cũ ), lớn lên cùng với cộng đồng người Nga tại Riga, từ thửa bé ông đã được “thấm đẫm” chất văn hóa Nga. Sau khi học xong phổ thông, Gordin học Đại học chuyên ngành kỹ thuật hàng không. Thay vì theo nghề đã học, ông đã xin vào làm tại Xưởng phim Riga với nghề chuyên thiết kế các thiết bị cho những hiệu ứng đặc biệt.
Vào những năm 60 thế kỷ trước, hiện thực chủ nghĩa xã hội là trào lưu chủ đạo xuyên suốt các ngành văn hóa nghệ thuật Liên Xô kể cả nhiếp ảnh. Gordin bắt đầu cầm máy từ khá sớm năm 19 tuổi. Thọat tiên ông chú tâm vào ảnh chân dung và ảnh báo chí nhưng rồi sớm từ bỏ chúng vì chán sự đơn điệu. Theo tâm sự của Gordin, khi đó ông đã xếp máy ảnh lại và chú tâm nghiên cứu các tác phẩm văn học Nga như của Dostoyevsky, Bulgakov và các tác phẩm điện ảnh của Tarkovsky, Parajanov…Ông muốn tìm tòi một phương thức thể hiện những cảm giác, ý niệm cá nhân thông qua nhiếp ảnh.
Và như vậy, vào năm 1972, Gordin bắt đầu chụp những bức ảnh Conceptual – Ý Niệm đầu tiên của mình-gọi là “Lời thú tội – Confession”. Conceptual photography – Nhiếp ảnh Ý niệm đã ra đời từ đó.
Tuy nhiên, trường phái “Nhiếp ảnh ý niệm” mà người khởi xướng là Misha Gordin đã không nhận được sự ủng hộ từ bên trong đất nước Xô Viết thời đó. Có lẽ sự đề cao tính cá nhân, sự thể hiện một cách mãnh liệt cái tôi của Gordin trong Nhiếp ảnh khái niệm đã đi ngược với tinh thần tập thể của xã hội Xô Viết, với trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa trong nghệ thuật.
Năm 1974, Misha Gordin rời đất nước Liên Xô sang sinh sống và sáng tác tại Mỹ. Trong suốt hơn 30 năm lao động sáng tạo, Misha Gordin đã nhận được rất nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh. Cũng từ đó, Conceptual photography đã trở thành một trào lưu khá nổi tiếng có nhiều followers và người kế tục trên khắp thế giới.
Những bức ảnh conceptual thường được thiết kế rất kỹ trước khi chụp. Chính những ý tưởng, ý niệm ẩn dấu dưới sự thể hiện của bức ảnh mới là linh hồn của tác phẩm, hay mới chính là nghệ thuật… Các thao tác chụp ảnh, kỹ thuật xử lý, tất cả chỉ là phương tiện để tạo nên một tác phẩm theo ý đồ của nhiếp ảnh gia mà thôi.
Tóm lại, bản thân bức ảnh conceptual không phải là trọng tâm, mà trọng tâm chính là “ý tưởng” sâu xa của bức ảnh đó…
Gordin nói về Conceptual như sau:
Tôi chĩa máy ảnh ra ngòai thế giới đang tồn tại quanh ta hay là quay nó vào bên trong tâm hồn tôi?
Tôi chụp những bức hình của thực tại, hay tôi tự tạo thế giới riêng của tôi – tuy rất thực nhưng lại không tồn tại ?
Kết quả từ hai cách tiếp cận đối lập nhau cũng rất khác nhau; và theo ý kiến tôi, conceptual photography chính là dạng cao hơn của sự biểu hiện nghệ thuật trong nhiếp ảnh. Chính nó đã đặt nhiếp ảnh lên tầm nghệ thuật của hội họa, thi ca, nhạc và điêu khắc. Với sự truyền tải những ý niệm cá nhân vào ngôn ngữ của nhiếp ảnh, conceptual photography có khả năng phản ánh nhận thức về sự sống, cái chết – những nhận thức về sự tồn tại của bản thân chúng ta…
Và như vậy, tạo ý tưởng rồi chuyển hóa chúng thành thực tại chính là quá trình cần thiết phải thực hiện trong conceptual photography.
Hiện nay, sự tiếp cận tiêu chuẩn – conventional vẫn thống trị nhiếp ảnh nghệ thuật. Nhưng sự phát triển của kỹ thuật số, rồi nhiếp ảnh số đang làm thay đổi cán cân lực lượng! Các nhiếp ảnh gia tài năng thế hệ “số” đã sử dụng những công nghệ mới để biểu hiện những ý niệm, cái nhìn của họ về thế giới với tất cả những sự huyền bí vốn có.
Bài viết được tham khảo và tổng hợp từ những nguồn sau :
1. http://news.deviantart.com/article/44518/
2. Phong cách Lomography và Trường phái Conceptual
3. Conceptual photography
4. Misha Gordin – Nhiếp ảnh ý niệm
Bài: Nguyễn Hồng Hưng