amedia

Câu chuyện cũ của lớp hoạ sĩ mới: bản sắc riêng

17-12-2013 02:58:12


D.A. Magazine - Mỹ thuật

Khi triển lãm của các hoạ sĩ trẻ trình làng, người ta nhận thấy đang định hình một thế hệ hoạ sĩ mới với những tiêu chuẩn thẩm mỹ của riêng họ.

alt 

Người trẻ, nghệ thuật mới

Đây chắc chắn là sản phẩm của nền văn hoá đương đại.

 

alt
Bùi Thanh Tâm, Nỗi ám ảnh trong lòng thành phố, 2011, festival Nghệ thuật trẻ, tháng 11.2011 tại Hà Nội. Ảnh:

Các triển lãm đáng chú ý trong năm 2011 có Thế hệ mới của Lê Trần Anh Tuấn, Made in Hương của Trần Thị Hương, triển lãm đôi của Vũ Đình Tuấn và Bùi Thanh Tâm, Kịch bản đương đại của Phạm Khắc Quang, Ở đâu cũng thế của Hoàng Duy Vàng, Tò he của Lê Kinh Tài, Và hoa đã mưa xuống của Nguyễn Thế Hùng, Sale off của ba hoạ sĩ... và gần đây nhất là Trong – Ngoài của Đặng Thảo Ngọc tại Viet Art Center – Hà Nội càng cho thấy một bức tranh rõ nét về một thế hệ hoạ sĩ trẻ.

Nhìn xa hơn một vài năm trước đó với những nghệ sĩ hơn dăm tuổi nữa: Lý Trần Quỳnh Giang, Lê Quý Tông, Trần Mạnh Hùng, Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Quang Huy, có thể nối đến Nguyễn Minh Thành và Trương Tân (chỉ tính riêng các nghệ sĩ ngoài Bắc)... có thể hình dung đầy đủ về một thế hệ nghệ sĩ của nền nghệ thuật đương đại, hoàn toàn khác biệt với thế hệ hoạ sĩ Đổi mới từng làm nghệ thuật Việt Nam bùng nổ đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Những năm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn vào Việt Nam, ngoài việc hấp dẫn nhiều nghệ sĩ trẻ lao vào khám phá, hai nghệ thuật này còn đem đến những gợi ý quan trọng về sự sáng tạo và vai trò của nghệ sĩ đương đại. Sắp đặt gợi ý nghệ sĩ có thể biến mọi thứ đồ vật thành nghệ thuật, phá vỡ ranh giới giữa hội hoạ và điêu khắc, đề cao ý tưởng và coi tác phẩm là phương tiện truyền thông tin.

Trình diễn ảnh hưởng rõ ràng hơn về thứ nghệ thuật có thể diễn ra bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, coi bản thân cũng là một phần tác phẩm, nghệ thuật trực tiếp và tương tác với khán giả, từ đó thay đổi ý thức của nghệ sĩ trong tương quan với người xem và cộng đồng. Hai nghệ thuật trên cũng đẩy cao sự phát triển của tính cá nhân trong sáng tác. Những ảnh hưởng sau đó, và có thể thấy rõ hơn trong hội hoạ phải kể đến pop art, graffiti và thiết kế hiện đại, đặc biệt là từ đồ hoạ quảng cáo.

Pop art coi trọng ý tưởng nhiều hơn tạo hình, cho phép bức tranh được vẽ theo một hay nhiều chiều không gian hoặc không chiều nào, hình thể nghiêm trang và chuẩn mực lối cổ điển hay bóp méo phá cách, có bố cục hoặc không cần bố cục, thậm chí không chủ đề. Thiết kế hiện đại và đồ hoạ quảng cáo cũng đưa ra những gợi ý về các cách sử dụng mảng phẳng, lối ngôn ngữ tạo hình có tiết tấu đơn giản, trên hết là hiệu ứng thị giác ngay lập tức.

Graffiti ảnh hưởng mạnh trong những năm gần đây, phá cách hoàn toàn về nội dung, chấp nhận mọi phong cách, thủ pháp tạo hình, gợi ý cho nghệ sĩ sáng tạo bất cứ đâu, trên bất cứ bề mặt gì từ mặt tường, ngõ hẻm, đường phố đến cả... bãi rác, và bằng bất cứ phương tiện nào. Các ảnh hưởng trên biến sáng tạo trở nên dễ dàng, vừa kích thích tự do sáng tạo một cách tuyệt đối hấp dẫn các nghệ sĩ trẻ, cũng lại phù hợp với xu hướng phát triển cuộc sống cá nhân độc lập của đời sống tâm lý và văn hoá hiện tại.

Vẽ nhiều vẫn ít cá tính

Quá trình đô thị hoá và ảnh hưởng văn hoá toàn cầu là một mẫu số chung. Nghệ sĩ trẻ Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng có những vấn đề tương tự nghệ sĩ trẻ trong nước, tuy nhiên, các nước bạn đã hình thành tầng lớp trung lưu và tư bản dân tộc, sẵn sàng sưu tập nghệ thuật, hỗ trợ nghệ sĩ bằng các sân chơi có tính cộng đồng như trại sáng tác (workshop) và nghệ sĩ lưu trú, giúp hình thành thị trường nghệ thuật và luật pháp.

Có thể nói họ ít nhất tự hình thành một nền tảng hỗ trợ vật chất và điều kiện làm việc cho nghệ sĩ, cũng như có sự trân trọng nhất định với nghệ thuật quốc nội, dù nó tốt hay chưa tốt. Nghệ sĩ từ đó có ý thức rõ ràng hơn về cộng đồng khi nhận được những hỗ trợ về vật chất, tự mình định hướng sáng tác dành cho cộng đồng và dân tộc, không cần quá quan tâm đến các yếu tố văn hoá bên ngoài. Hoạ sĩ trẻ Việt Nam không có những điều kiện như vậy, tự họ hình thành ý thức nghệ thuật và công dân một cách bản năng, không có chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần, dẫn đến việc dễ bị cuốn theo các yếu tố ngoại lai một cách vô thức.

Toàn cầu hoá bày ra quá nhiều món ăn cho nghệ sĩ tha hồ hấp thụ, tuy vậy việc tiêu hoá để hình thành một bản sắc nghệ thuật tự thân sau đó lại không dễ, và vẫn chưa xuất hiện những nghệ sĩ như vậy, điều mà thế hệ Sáng – Nghiêm đã làm được vài thập kỷ trước. Hoạ sĩ trẻ, giống như các đàn anh Đổi mới trước đây, vẫn trượt trên các hình thức sáng tạo sẵn có của thế giới mà ít quan tâm đến yếu tố gốc rễ của chúng, và câu chuyện cũ vẫn lặp lại khi nghệ sĩ xuất hiện càng nhanh, vẽ càng nhiều mà càng ít tính cá nhân, cũng như vẫn xa rời đời sống thực tại của dân tộc.

Nguyễn Anh Tuấn - SGTT


A.M.C STUDIO

A.M.C kết nối

Lượt xem

  • Đang xem:
  • Tổng lượt xem: